Trong tư duy truyền thống, người ta nghĩ công việc của nhà báo là kể lại những gì anh ta được nghe, được thấy - điều mà độc giả thời kỳ tiền internet không có nhiều cơ hội trải nghiệm. Và khi những tiếng nói được kể lại trên các tờ báo là tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, báo chí trở thành “tấm gương” chân thực của xã hội. Cũng nhờ vậy, báo chí được gọi là “quyền lực thứ tư”.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông mới trong thời đại internet, đặc biệt là mạng xã hội, đã tạo ra một không gian mới cho những câu chuyện và trải nghiệm cá nhân, hoàn toàn tự do, độc lập đã khiến báo chí không còn là kênh truyền tải thông tin “độc quyền”. Những gì độc giả chỉ tìm thấy ở các sạp báo trước đây thì giờ không thiếu trên mạng xã hội.
“Đâu sẽ là giá trị của báo chí trong thời đại internet?” không chỉ là câu hỏi của các tòa soạn báo VN mà còn khắp thế giới trong suốt thập niên phát triển vũ bão của mạng xã hội vừa qua. Cạnh tranh về tốc độ và sự hỗn tạp của mạng xã hội sẽ chỉ khiến báo chí gục ngã nhanh hơn và đau đớn hơn.
Đại dịch Covid-19 những tháng vừa qua đã đặt chúng ta vào một tình thế đặc biệt. Báo chí cũng không ngoại lệ.
Khoảng thời gian tìm kiếm thông tin những ca bệnh mới, những người diện nguy cơ là những ngày cực kỳ căng thẳng với những phóng viên đưa tin về dịch bệnh. Chính những người làm báo cũng khủng hoảng và hoang mang khi thực sự không biết mình đang đối mặt với điều gì. Thế nhưng, đó cũng là những ngày người ta nhận ra rằng những thông tin hệ thống, đầy đủ và quan trọng nhất là xác tín mới là cái độc giả có thể tìm thấy và tin ở báo chí.
Sứ mệnh của báo chí là tìm kiếm sự thật để thực hiện chức năng giám sát. Trong thời đại internet và mạng xã hội, độc giả cần hơn ở báo chí những thông tin được phân tích một cách hệ thống và chính xác từ những dữ liệu đơn lẻ và hỗn độn, điều mà thông tin ở mạng xã hội khó có được. Kỷ nguyên dữ liệu lớn (bigdata) đang mở những cơ hội rất lớn để báo chí có những thông tin hệ thống, xác tín và hoàn toàn độc lập mà không chỉ là “người đưa tin” thuần túy.
Đó cũng là hướng đi mà Báo Thanh Niên đã, đang nỗ lực tìm kiếm và thực hiện.
Tôi chỉ mới gắn bó với Thanh Niên được 3 năm, chưa bằng 1/10 quãng đường hình thành và phát triển của tờ báo. Nhưng 3 năm qua, tôi đã được chứng kiến những nỗ lực của hàng trăm con người để thay đổi một tờ báo in truyền thống thành một tờ báo hội tụ theo hướng chất lượng, hiện đại. Cùng với nâng cao chất lượng cho từng bài viết, một dự án báo chí dữ liệu (data journalism) cũng đang được đội ngũ Thanh Niên chuẩn bị để mang tới tác phẩm riêng có, đáp ứng nhu cầu độc giả.
Giá trị của báo chí cuối cùng vẫn nằm ở thông tin. Điểm khác ở chỗ cách người ta khai thác và chuyển tải thông tin mà thôi.
Bình luận (0)