Học phí và người nghèo

17/05/2009 00:36 GMT+7

Đề án “Đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008 -2012” vừa được trình cho Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội giữa tuần qua. Trong các định hướng đổi mới, có định hướng về đổi mới học phí đang tạo ra sự chưa đồng tình của nhiều thành viên Quốc hội và dư luận.

Riêng đối với người viết, chỉ số “học phí và chi phí học tập của một gia đình ( hai vợ chồng và 2 con học mầm non và phổ thông) không vượt quá 6% thu nhập bình quân của gia đình...” cần phải được tính toán cụ thể, vì rất xa thực tế!

Có hai vợ chồng buôn bán nhỏ, thu nhập mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng. Họ có 2 con học lớp 6 và mẫu giáo. Riêng tiền trường cho 2 cháu mỗi tháng trên 800 ngàn đồng (mẫu giáo công lập mỗi tháng gần 700 ngàn đồng, lớp 6 trường phổ thông nộp cả năm khoảng 1 triệu đồng). Trong trường hợp này, chỉ riêng chi phí học cho 2 đứa con nhỏ đã chiếm trên 22% thu nhập của gia đình đó chứ không còn ở mức 6%.

Một khảo sát  do Tầm nhìn Thế giới và Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng tiến hành năm 2008 tại Q.8, TP Hồ Chí Minh cho thấy 68% các hộ được phỏng vấn có thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/năm. Do gia đình không có đủ tiền đóng học phí hoặc bản thân trẻ muốn nghỉ học để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nên 32,5% trẻ em được phỏng vấn cho biết đã nghỉ học dù các em vẫn trong độ tuổi đi học. 6% của mức thu nhập này chưa đủ tiền nộp học phí mẫu giáo ở TP.HCM cho con em họ trong 1 tháng!

Đó là tình hình của các gia đình ở các thành phố lớn. Ở nông thôn, lại là chuyện khác! Theo số liệu thống kê năm 2006, nông thôn nước ta hiện là nơi cư trú của trên 61 triệu dân trong tổng số hơn 84 triệu dân (tức là 73%) và 75% lực lượng lao động cả nước, thu nhập bình quân đầu người một tháng theo giá thực tế ở nông thôn tính chung cả nước chỉ bằng 46% so với thành thị, có những vùng còn thấp hơn nhiều (theo chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Tuấn - khoinghiep.org.vn).

Với những con số như trên, chỉ tiêu “6% thu nhập bình quân của một gia đình” dành cho “học phí và chi phí học tập” là khó có cơ sở vững chắc!

Vấn đề thứ hai, trên thực tế việc kinh doanh trong ngành giáo dục và đào tạo hiện nay vẫn được coi là ngành kinh doanh có lợi nhuận khá cao, trái với mục tiêu phi lợi nhuận mà các nước tiên tiến đang áp dụng. Nhiều doanh nhân, trí thức và kiến trúc sư ở Đà Nẵng bỏ nghề đi mở trường đại học, cao đẳng. Không nói đến vấn đề chất lượng, nhưng rõ ràng sự tăng tốc và phát triển đó không thể không dựa vào nguồn thu chính là học phí, mà đa số học sinh, sinh viên con nhà nghèo ở nông thôn nhiều nơi đã phải đi vay từ nhiều nguồn để đóng. Đề án “đổi mới cơ chế tài chính” nêu “mức học phí đối với đào tạo công lập (dạy nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học) từng bước đảm bảo chi phí thường xuyên... về lâu dài phải đảm bảo chi phí đào tạo”... chắc chắn cũng sẽ tạo tiền đề cho các trường tư tăng theo. Và như vậy, để có “mức học phí phải đảm bảo chi phí đào tạo”, đến lúc nào đó, phúc lợi xã hội từ ngân sách sẽ hoàn toàn “thả tay” đối với đào tạo nghề nghiệp!

hiệu trưởng một trường đại học tư tại Đà Nẵng cho biết thêm, hiện nay mức học phí của một sinh viên ở đại học tư khoảng từ 6 đến 7 triệu đồng mỗi năm (trường tư còn tự lo cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn... đóng thuế), trong khi ở đại học công lập, ngoài phần ngân sách chi bình quân cho mỗi sinh viên 6 triệu đồng/năm, sinh viên còn đóng thêm 2,6 triệu (tổng cộng 8,6 triệu đồng/năm), là cao hơn, lại còn được ngân sách tài trợ riêng cho xây dựng cơ bản, tiền lương và các chi phí thường xuyên khác. Nếu khối đào tạo tư thục cũng tăng học phí (bằng tổng mức đầu tư cho một SV công lập), lúc đó đại bộ phận sinh viên con nhà nghèo ở nông thôn có thể rơi vào đường cùng vì cha mẹ các em sẽ khó xoay xở!

Suy cho cùng, vấn đề học phí cần phải được tính đến các chính sách đối với người nghèo đang chiếm số đông trong xã hội. Chính sách đối với người nghèo trong đào tạo cũng chính là đòn kích cầu cho một sự phát triển mang tính lâu dài.

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.