Rất dễ để nhận thấy khi các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất... gây ô nhiễm được dời đi thì lấp vào đó là các dự án căn hộ, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại. Đề xuất xây nhà cao 50 - 70 tầng ở ga Hà Nội là minh chứng rõ ràng nhất.
Lý do Công an TP.Hà Nội đề xuất di dời ga này ra khỏi trung tâm là nhằm loại bỏ xung đột giao thông, giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm và đặc biệt là hạn chế tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn thủ đô.
Thế nhưng "nén" một cao ốc cao 5 - 7 chục tầng với hàng ngàn người, tương ứng với hàng ngàn phương tiện ra vào mỗi ngày ở khu vực này, có thể khẳng định tình trạng kẹt xe, quá tải còn nặng nề hơn. Đó là chưa kể việc này cũng trái với quy hoạch chung Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011.
Thực tế, việc "lấp" cao ốc vào hầu hết các chỗ trống, đặc biệt là các khu đất vàng trong nội đô dẫn tới những con đường, khu phố "bi kịch" khi phải gánh trên mình hàng chục dự án, hàng vạn người, hàng ngàn phương tiện... dù chỉ dài 1 - 2 km, chỉ có 1 - 2 làn xe. Hệ quả là tình trạng kẹt xe, ngập nước ở TP.HCM, Hà Nội ngày càng trầm trọng và bế tắc, không lối thoát. Thậm chí từ cuối năm ngoái, sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cũng bị ngập nước và một trong những lý do là các lối thoát nước của sân bay bị nhà cửa, công trình, cao ốc bao kín.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Trong khi các mảng xanh ngày càng teo tóp thì tình trạng ô nhiễm khói bụi gia tăng do lượng khí thải từ xe cộ, rác thải sinh hoạt... tăng lên. Hệ thống y tế, giáo dục cũng bị áp lực nặng nề kéo theo các hệ lụy khôn lường.
Vì vậy, trước mắt là nói không với việc xây tòa nhà chọc trời ở ga Hà Nội. Sau đó là kiên quyết loại bỏ các dự án, công trình không đúng với quy hoạch.
Bình luận (0)