Làm ngay để “trả món nợ với nhân dân”!

14/06/2009 00:59 GMT+7

Tuần vừa qua, Quốc hội (QH) đã có phiên thảo luận “nảy lửa” xung quanh điều khoản sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở trong Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, mở đường cho việc thống nhất một giấy, một đầu mối cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) gắn với quyền sở hữu nhà ở và tài sản trên đất.

Lẽ ra đây là điều không phải bàn cãi, bởi vì nói như Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên là nó “phù hợp với nguyện vọng của nhân dân” và đúng với chủ trương cải cách hành chính, giảm phiền hà. Hơn nữa, Nghị quyết 07/2007/QH12, tháng 11.2007 QH đã quyết nghị: thống nhất cấp một giấy cho cả nhà và đất, thống nhất một đầu mối cấp giấy, sau một đợt giám sát quy mô tình hình 10 năm thi hành pháp luật về đất đai, góp phần chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài 15 năm về hệ thống giấy chứng nhận đất đai, nhà ở.

Thế nhưng tại nghị trường trong phiên thảo luận ngày 8.6.2009, vẫn có những ý kiến: “Việc tồn tại hai loại giấy là phù hợp với tình trạng nhà, đất hiện nay” (ĐB Nguyễn Thanh Hòa, Bắc Ninh) hoặc “nên sử dụng hai giấy như hiện nay, đó là giấy chứng nhận QSDĐ và giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất thì phù hợp hơn” (ĐB Trần Văn Thức, Bà Rịa-Vũng Tàu)…

Những ý kiến như vậy không phải là ít, đến nỗi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên phải thốt lên: “Nếu nói như vậy thì phải lật lại Nghị quyết 07 của QH”.

Còn Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Nguyễn Minh Thuyết thì không nhịn được: “Mong các đại biểu QH để ý đến nguyện vọng của nhân dân. Cử tri có nguyện vọng một giấy thôi, một cơ quan cấp thôi”. Ông Thuyết gọi đó là “sự đổi vai kỳ lạ” vì rằng “chính mình đã biểu quyết thông qua”.

Những ý kiến muốn “lật lại Nghị quyết 07” đương nhiên là đi ngược nguyện vọng của nhân dân bởi thực tế cuộc sống cho thấy, đây là việc không thể trì hoãn. Tuy vậy, một số ý kiến quan ngại về việc ghép sửa đổi này vào dự luật sửa đổi một số điều luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản là không hợp lý cũng đáng phải suy ngẫm. Bởi lẽ mục đích của việc sửa luật là để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và thực hiện. Một việc chẳng liên quan gì đến đầu tư xây dựng cơ bản (cấp giấy chứng nhận chủ quyền nhà đất) đặt ở trong dự luật này dễ khiến người ta lãng quên.

Cũng giống như Dự luật sửa đổi, bổ sung điều 126 Luật Đất đai và điều 121 Luật Nhà ở về quyền sở hữu nhà của Việt kiều mà QH dự định thông qua tại kỳ họp này, chế định về hệ thống giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và QSDĐ rất đáng để QH ban hành một đạo luật.

Tuy nhiên, dù phương án tốt nhất là ban hành một đạo luật riêng như chúng tôi phân tích ở trên hay ghép chung vào một luật sửa nhiều luật như Chính phủ đang trình cũng chỉ là cách làm. Cách nào cũng được, miễn có thể đạt được mục đích như Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên trần tình trước QH là phải làm ngay để “trả món nợ với nhân dân”.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.