Lạm quyền

27/12/2018 04:43 GMT+7

Đại hội XII của Đảng đặt ra yêu cầu rất cao về kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương.

Hôm qua, trong diễn văn bế mạc Hội nghị T.Ư 9, hội nghị quan trọng quyết định quy hoạch cán bộ cấp chiến lược của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhắc nhở các cán bộ, đảng viên: “Cần luôn ghi nhớ trong tâm khảm của mình rằng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng; và danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất đối với mỗi con người, trước hết là đối với mỗi cán bộ, đảng viên”.
[VIDEO] Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 9 BCH trung ương Đảng khoá XII - Bản quyền thuộc VTV
Một nửa nhiệm kỳ, 60 cán bộ cấp T.Ư quản lý bị xử lý, từ kỷ luật Đảng đến khởi tố hình sự là một sự đau xót, không chỉ với Đảng. Đó đều là kết cục của những cán bộ đã lạm quyền trong công việc, đã lộng quyền khi điều hành, đã bất chấp danh dự bản thân và uy tín của đảng cầm quyền để vụ lợi cho bản thân và nhóm lợi ích.
Sai phạm tại một số dự án bất động sản, công trình tại TP.HCM đang được dư luận quan tâm, hay trước đó là những sai phạm liên quan đến vụ MobiFone mua AVG đều liên quan đến “vượt thẩm quyền”. Các vụ việc đau lòng liên quan đến sai phạm của các tướng công an, quân đội trong đường dây đánh bạc nghìn tỉ, vụ Vũ “nhôm”, Út “trọc”… đều có gốc gác là sự lạm quyền, lợi dụng quyền lực vốn thuộc về nhân dân và được nhân dân giao phó.
Theo từ điển Tiếng Việt, lạm quyền là “làm những việc vượt quá quyền hạn của mình”. Dưới góc độ quyền lực chính trị, lạm quyền là hành vi của cán bộ, đảng viên thực hiện quyền lực chính trị theo những cách sai trái, ra các quyết định trái thẩm quyền, nhằm phục vụ lợi ích cho cá nhân họ hoặc nhóm lợi ích không đúng với các quy định trong hệ thống pháp luật của quốc gia.
Điều này không chỉ gây thiệt hại về mặt vật chất mà còn đem lại tác động xấu về mặt đạo đức, tinh thần cho cả xã hội.
Quyền lực càng lớn, càng tuyệt đối thì sẽ dẫn tới sự tha hóa tuyệt đối nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Chính vì vậy, Đại hội XII của Đảng đặt ra yêu cầu rất cao về kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương.
Để kiểm soát quyền lực, cốt yếu phải có cơ chế rõ ràng để công khai, minh bạch tất cả chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan; chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ; thủ tục, quy trình, thời gian giải quyết công việc… để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, giám sát”. Nhưng quan trọng nhất là phải thiết lập được hệ thống thông tin phản hồi hiệu quả từ đối tượng chịu sự tác động của quyền lực, đó là các doanh nghiệp và người dân, lắng nghe và xử lý kịp thời.
Trừng phạt nghiêm khắc các cá nhân có hành vi lạm quyền, lợi dụng quyền lực, lộng quyền cũng là một giải pháp; nhưng triệt để hơn phải là thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ có hiệu lực nhằm thường xuyên rà soát các quy trình, thủ tục, công vụ, công chức để phát hiện kịp thời các bất hợp lý và kiến nghị giải pháp điều chỉnh, sửa chữa, phòng ngừa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.