Nạn 'chặt chém'

16/11/2017 05:24 GMT+7

Về mặt lý thuyết, giải quyết tình trạng “chặt chém” hay kinh doanh vô đạo đức sẽ phải là các biện pháp tổng hợp: từ vận động thuyết phục đến xử lý nghiêm khi sai phạm.

Ông Huệ (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM), người bị phản ánh trong bài Vá xe kiểu “cướp cạn” giữa Sài Gòn đăng trên Thanh Niên ngày 12.11, có thể “kiếm” 120.000 đồng cho cái ruột xe có giá đúng chỉ khoảng 20.000 đồng; Chủ tàu Hồng Long (Hạ Long, Quảng Ninh) có thể kiếm được 8 triệu đồng cho một bữa ăn đáng 2 - 3 triệu, hay bà chủ quán phở ở Hà Nội có thể “chém” 300.000 đồng cho bát phở đáng 50.000 đồng.

tin liên quan

Vá xe kiểu ‘cướp cạn’ giữa Sài Gòn
Nạy cho hư chân van, đâm thủng ruột xe để thay ruột với giá “cắt cổ”, hăm dọa khi khách phát hiện việc làm gian dối... là những mánh khóe của nhóm thợ sửa xe ở khu vực trung tâm TP.HCM bị PV Thanh Niên bóc trần.
Đối với cộng đồng, cái mất lớn hơn chính là niềm tin, sự thân thiện, nó phá hỏng các chương trình quảng bá hình ảnh, mời gọi du khách đến các tỉnh, thành phố, các điểm du lịch của VN.
Vấn nạn chặt chém xuất phát từ sự thiếu ý thức và hiểu biết về kinh doanh cũng như đạo đức của những người bán hàng. Trong khi khách đến du lịch là để được thưởng thức, được thư giãn nhưng với nạn chặt chém này du khách sẽ phải luôn cảnh giác và tìm cách ứng phó, dẫn đến sự mất niềm tin vào người dân vùng du lịch. Từ đó, các điểm du lịch không những mất đi hình ảnh văn minh và sẽ ngày một vắng khách.
Về mặt lý thuyết, giải quyết tình trạng “chặt chém” hay kinh doanh vô đạo đức sẽ phải là các biện pháp tổng hợp: từ vận động thuyết phục đến xử lý nghiêm khi sai phạm.
Hồi tháng 8.2017, một thanh niên ở Đà Nẵng đã bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội vì “chặt chém” khách tới 300.000 đồng tiền đánh một đôi giày. Một nhà hàng khác cũng bị xử phạt 15 triệu đồng vì hành vi bán cao hơn giá niêm yết. Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.Hà Nội, đã “bắt khẩn cấp” và tạm giữ hình sự 3 đối tượng là chủ một quán karaoke trên địa bàn để điều tra, xử lý vụ việc cưỡng đoạt tài sản. Những đối tượng này, sau khi bị khách ngoại quốc phản ứng vì tính tiền hát karaoke với giá “cắt cổ”, đã dùng thủ đoạn dọa nạt hành hung buộc khách phải trả tiền.
Việc xử lý nghiêm các hành vi “chặt chém”, kinh doanh thiếu đạo đức không chỉ để bảo đảm một môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh mà nó đặc biệt quan trọng trong bối cảnh du lịch đang được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, có thể tạo nguồn thu lớn bù đắp với những khoản sụt giảm nghiêm trọng khác của nền kinh tế.
Trong tâm thức tự hào “người Việt thân thiện, hiếu khách”, khi chính quyền địa phương quyết liệt, các lực lượng xử lý nghiêm túc thì nạn “chặt chém” sẽ tự nhiên chấm dứt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.