Sao lễ hội phải là lộn xộn ?

Tại hội nghị sơ kết công tác tổ chức lễ hội xuân Đinh Dậu diễn ra vào sáng 24.2 ở Hà Nội, một số lãnh đạo ngành văn hóa các địa phương phát biểu như thể đấu tranh đòi thừa nhận “quyền lộn xộn” và “quyền làm ăn” tại các lễ hội.
Bà Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó giám đốc Sở VH-TT Nghệ An, cho rằng lễ hội “có lộn xộn một chút, có chen lấn, song không xảy ra nguy hại hay chết người là được”. Thậm chí, bà còn quả quyết “Đấy mới là lễ hội, là ý nguyện của nhân dân khi tham gia lễ hội. Lễ mà đứng thành hàng rồi chờ phát ấn, phát lộc đến tay thì tôi nghĩ nhân dân sẽ không tham gia nữa”.
Một số vị quản lý văn hóa địa phương thậm chí còn không ngại tị nạnh công khai chuyện chọi trâu, phát ấn. Rằng chỗ khác làm được thì chỗ chúng tôi sao không làm được. Cái lẽ ngụy biện “anh làm sai thì tôi cũng được quyền làm sai” lồ lộ ra đấy, mà lại là từ trong suy nghĩ của những người giữ trọng trách quản lý văn hóa địa phương.
Đáng sợ hơn, những lập luận ấy lại còn nhân danh “ý nguyện của nhân dân”. Ý nguyện nào của nhân dân mà thiếu lý trí thế? Rằng hãy lao vào cuộc lộn xộn đầu xuân để giành lấy chút lộc hư ảo nào đó mà không cân nhắc đến sự trả giá về sức khỏe và an toàn tính mạng.
Ý nguyện nào của nhân dân mà lạ kỳ thế? Rằng thay vì thong dong xếp hàng trật tự để nhận món quà tinh thần đầu xuân thì lại thích xô đẩy, đè đạp nhau để mà vui, nếu không sẽ không dự lễ hội như lời bà Quỳnh Anh nói.
Mà nếu còn những người vì nhận thức hạn chế mà có ý nguyện như thế thì mới cần đến sự dẫn dắt của người làm công tác quản lý văn hóa. Quản lý hoạt động lễ hội với định hướng chân - thiện - mỹ kiên định thì mới xây dựng được nền tảng văn hóa lễ hội tôn nghiêm và thuần khiết. Tổ chức lễ hội nền nếp, chu đáo, kỷ luật thì mới giúp người dân thực hành niềm tin tín ngưỡng một cách văn minh tại các lễ hội.
Bằng không thì, lễ hội chỉ còn là cuộc tụ tập đông người tầm thường. Và tổ chức lễ hội chỉ là trò kinh doanh thương mại thấp hèn trên niềm tin tín ngưỡng chính đáng của người dân.
Quản lý các giá trị văn hóa tinh thần chưa bao giờ là việc dễ dàng. Vậy nên việc áp đặt các quy định hành chính vội vã, duy ý chí để điều chỉnh các giá trị văn hóa tinh thần sẽ trở nên khiên cưỡng và kém hiệu quả. Chúng ta cần thời gian và sự kiên trì để uốn nắn các tập quán cũ kỹ đã trở nên lỗi thời sao cho phù hợp hơn với khung cảnh mới của thời đại. Nhưng trong hành trình cần nhiều thời gian ấy, điều quan trọng hàng đầu là sự hướng đạo.
Đó là sự hướng đạo của cộng đồng, mọi người cùng nhau kêu gọi và khích lệ điều tốt đẹp, chung tay đấu tranh và bài trừ điều xấu xí. Báo chí lên tiếng là để giúp vai trò hướng đạo của cộng đồng trở nên mạnh mẽ và hiệu lực hơn, chứ không phải vì báo chí thích soi chuyện tiêu cực.
Đó là sự hướng đạo của nhà quản lý văn hóa, nhà chức trách địa phương trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp của cộng đồng mình, của địa phương mình.
Còn nếu các vị quản lý văn hóa mượn danh nghĩa “ý nguyện của nhân dân” để đòi “quyền lộn xộn”, “quyền làm ăn” ở các lễ hội thì sao chúng ta có thể tránh khỏi một thực tế lễ hội xấu xí và tầm thường như đã thấy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.