Tài xế có tội, vậy ai vô can?

Mai Hà
Mai Hà
23/01/2019 04:57 GMT+7

Hai vụ tai nạn thảm khốc vừa qua ở Hải Dương và Long An khiến 12 người vô tội bỗng dưng trở thành nạn nhân của những con nghiện ma túy sau vô lăng. Cái chết đến bất ngờ dù họ đang dừng chờ đèn đỏ, hay đi bộ ven đường.

Điều kỳ lạ gì đang xảy ra?
[VIDEO] Những thảm kịch trong tai nạn kinh hoàng khiến 8 người chết ở Hải Dương
Xét nghiệm cho thấy tài xế xe tải gây tai nạn tại Hải Dương dương tính với ma túy đá. Nhưng chủ doanh nghiệp (DN) nơi thuê tài xế này khi được hỏi đã nói không biết gì về việc tài xế nghiện, hồ sơ giấy khám sức khỏe bình thường, có chứng nhận của bác sĩ.
Câu trả lời tưởng chừng vô can này cho thấy hai tồn tại rất lớn trong quản lý lái xe hiện nay: vai trò giám sát của DN với tài xế gần như bằng không, và việc khám sức khỏe tài xế đang được làm cho có thay vì đi vào thực chất.
Rất khó tin khi một nhà xe chỉ thuê 4 - 5 tài xế lại không hề hay biết tài xế nghiện. Không chỉ nhà xe này, rất nhiều DN vận tải khác vì lợi nhuận sẵn sàng khoán trắng cho tài xế, ép tăng chuyến, ép thời gian để tăng thêm doanh thu, thậm chí “mắt nhắm mắt mở” tuyển cả tài xế nghiện. Bởi nhiều tài xế biện minh rằng dùng ma túy mới đủ tỉnh táo để đánh những chuyến hàng dài xuyên đêm, hoặc ôm vô lăng mười mấy tiếng đồng hồ.
[VIDEO] Nhân chứng kể lại tai nạn kinh hoàng khiến 8 người chết ở Hải Dương
Sau vụ tai nạn do tài xế container nghiện ma túy gây ra tại Long An, ngành công an đã tổng rà soát lái xe container, xe tải phát hiện hàng chục lái xe nghiện ma túy. Điều này là cần thiết nhưng chưa đủ, nếu chỉ dừng ở việc kiểm tra theo điểm nóng, theo phong trào, mọi thứ sẽ trở lại đâu vào đó khi đợt kiểm tra chấm dứt. Nếu việc kiểm tra nhanh ma túy được thực hiện thường xuyên liên tục như thổi nồng độ cồn, tài xế sẽ ngần ngại hơn rất nhiều khi sử dụng ma túy.
Rõ ràng, việc truy tố, xử phạt lái xe - chủ thể gây tai nạn - thậm chí với khung hình phạt nặng nhất không thể giải quyết tận gốc các vấn nạn. DN vận tải với vai trò tuyển dụng, quản lý, giám sát lái xe có trách nhiệm rất lớn trong việc phân bổ điều phối giờ làm, đặc biệt là trong theo dõi, giám sát tình trạng sức khỏe tài xế.
[VIDEO] Lời kể của người thoát hiểm trong tai nạn thảm khốc 8 người chết ở Hải Dương
Chủ xe không thể vô can, nhưng cơ quan quản lý DN vận tải tại địa phương, Sở GTVT và rộng hơn là Bộ GTVT, lực lượng tuần tra kiểm soát, tổ chức/cá nhân khám và cấp giấy khám sức khỏe cho tài xế... liệu có vô can? Nói như TS Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, một bất cập lớn hiện nay là việc xử lý trách nhiệm các DN có xe gây tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng còn khá dễ, trong khi trên thế giới nếu gây TNGT hậu quả lớn, DN sẽ phải trải qua một quy trình theo dõi, giám sát hết sức chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý liên quan tới ATGT chưa rõ ràng, dẫn tới tình trạng có thể thực hiện hoặc không mà không hề bị xử lý.
Chỉ khi siết lại những mối dây còn khá lỏng lẻo giữa lái xe - DN - cơ quan quản lý, quy trách nhiệm đến từng tổ chức/cá nhân cụ thể mới có thể bớt đi lo lắng, bất an của người dân mỗi khi ra đường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.