Tính độc lập của tòa án

16/01/2015 04:05 GMT+7

Tính đến nay, nhiệm vụ cải cách tư pháp đã đặt ra và thực hiện được gần 10 năm, nếu lấy mốc thời gian là thời điểm ban hành Nghị quyết số 49- NQ/TW, ngày 2.6.2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Tính đến nay, nhiệm vụ cải cách tư pháp đã đặt ra và thực hiện được gần 10 năm, nếu lấy mốc thời gian là thời điểm ban hành Nghị quyết số 49- NQ/TW, ngày 2.6.2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Sau nhiều lần tổng kết, nhưng kết quả vẫn chưa như ý vì nhiều hạn chế vẫn liên tục được chỉ ra và chưa rõ đến khi nào mới có thể khắc phục được hết.
Lâu nay, nhiều người, đặc biệt là giới luật sư, đã phản ánh rất nhiều về những hạn chế trong tính khách quan, độc lập của các thẩm phán, hội thẩm đặc biệt là trong việc giải quyết các vụ án hành chính ở cấp huyện. Tại cuộc họp Ban soạn thảo dự án luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) do TAND tối cao tổ chức chiều 14.1, lần đầu tiên đề nghị: “Các quyết định hành chính, hành vi của UBND cấp huyện và chủ tịch UBND cấp huyện trong lĩnh vực đất đai giao cho tòa cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư giải quyết để tránh sự ảnh hưởng của cơ quan quản lý hành chính ở địa phương đối với việc giải quyết vụ án của tòa án”.
Đề xuất này của ban soạn thảo đã thừa nhận một thực trạng là việc giải quyết các vụ án hành chính tại các TAND cấp huyện chưa đảm bảo được tính khách quan, còn chịu ảnh hưởng của cơ quan quản lý hành chính địa phương. Thậm chí, đề xuất còn thể hiện sự bất lực trước thực trạng này và còn đi ngược lại xu hướng tăng tính độc lập cho thẩm phán và tăng thẩm quyền cho tòa án cấp huyện. Hơn nữa, UBND cấp huyện và chủ tịch UBND đâu chỉ có các hành vi hành chính và quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai, chẳng lẽ vẫn tiếp tục chấp nhận sự thiếu khách quan, độc lập khi giải quyết các vụ án hành chính ở các lĩnh vực khác.
Với lối tư duy tương tự thì các vụ án hành chính liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp tỉnh và chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng nên chuyển cho TAND tối cao xét xử vì có ai dám chắc chắn rằng thẩm phán, hội thẩm nhân dân cấp tỉnh hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của cơ quan quản lý hành chính địa phương. Như vậy, có thể nói đề xuất nêu trên của ban soạn thảo vẫn còn mang tính tình thế, đối phó.
Cách đây chưa lâu, sau khi một vị thẩm phán mới về hưu của Tòa phúc thẩm TAND tối cao bị khởi tố do liên quan vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, công chúng đã có một cơ hội được nghe những người trong cuộc, các thẩm phán mới về hưu, trải lòng về nghề và thực trạng áp dụng luật pháp. Các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ lý giải thế nào về việc một bản án oan nhưng chỉ thẩm phán chủ tọa phải chịu trách nhiệm trong khi luật quy định hội đồng xét xử quyết định theo đa số, trong đó mỗi thành viên của hội đồng xét xử lại xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Chừng nào thực trạng hoạt động xét xử của tòa án không được thừa nhận một cách chính thức, dù đã bộc lộ rất rõ qua lời nói và hành động của rất nhiều người đã hoặc đang là người tiến hành tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng, thì công cuộc cải cách tư pháp chưa thể thấy ngày thành công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.