Từ bỏ quyền lực

30/12/2017 08:11 GMT+7

“Dám từ bỏ quyền lực” là từ mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi hành động cắt bỏ hàng trăm điều kiện, thủ tục kinh doanh của các bộ Công thương, NN-PTNT, Xây dựng trong năm 2017.

Chỉ với bằng ấy từ, Thủ tướng đã chỉ ra đầy đủ, chính xác thực chất của việc tồn tại 5.719 điều kiện kinh doanh trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay. Nó không chỉ cho biết phần nào “căn bệnh nghiện quản lý” mà còn thấy bóng dáng của “tham nhũng chính sách”.
Hiện nay, chúng ta đang duy trì một bộ máy vừa xây dựng quy định pháp luật, vừa thực thi việc cấp phép, nên thực tế điều kiện kinh doanh (giấy phép con) gắn với quyền lực, quyền lợi của các cơ quan quản lý. Nói các bộ cắt bỏ điều kiện kinh doanh là dũng cảm “từ bỏ quyền lực” là vì vậy. Nhưng cũng chính vì thế, việc cắt bỏ này không bao giờ dễ dàng.
Một ví dụ cho dễ hiểu: Cục Xuất bản là nơi đưa ra quy định về tem dán trên các cuốn lịch và đang yêu cầu các nhà xuất bản dán tem lên sách. Theo thống kê của Hiệp hội In, mỗi năm cả nước tiêu thụ 17 - 18 triệu cuốn lịch (buộc phải dán tem của Cục Xuất bản). Riêng đối với xuất bản 400 triệu bản sách, thì việc phải trả 200 đồng/tem, chi phí tiền tem cho thị trường sách sẽ tăng thêm 80 tỉ đồng, bằng phân nửa lợi nhuận năm 2016 của cả ngành xuất bản sách. Đó là chưa kể, theo Hiệp hội In, chi phí thực tế để in một con tem chỉ khoảng 30 đồng. Tại sao các nhà xuất bản đã phải xin giấy phép xuất bản cho từng mẫu lịch, từng cuốn sách, lại phải mua tem (thực chất cũng là một loại giấy phép)? Trong khi trên thực tế, việc cấp phép xuất bản lịch hay dán tem sách hoàn toàn không giúp chống in lậu hay “văn hóa phẩm độc hại” như cách mà cơ quan quản lý đang rao giảng.
“Quyền lực” cấp phép sẽ mang đến “quyền lợi” không nhỏ như đã thấy, nên dễ hiểu khi các cơ quan quản lý thông qua việc chủ trì soạn thảo các văn bản pháp quy đang tự trao cho mình quyền sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào các hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Tư duy thích can thiệp vào công việc kinh doanh không chỉ làm cho nền kinh tế tăng thêm chi phí (xin phép), mà còn trở thành mảnh đất màu mỡ, tạo ra một tầng lớp cán bộ quen nhũng nhiễu, làm suy thoái đạo đức công vụ.
Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là lựa chọn chính xác của Chính phủ trong nhiệm kỳ này. Nhưng nếu tiếp tục duy trì hệ thống: cơ quan xây dựng quy định đồng thời là cơ quan cấp phép thì tình trạng tham nhũng chính sách không thể chấm dứt. Nguyên tắc “hành pháp chính trị” phải tách rời “hành chính công vụ” phải được vận hành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.