Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Trong 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu cá tra vào thị trường Ả Rập Xê Út giảm trên 60%, chỉ còn 10,6 triệu USD. Đây là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất ở khu vực Trung Đông, năm 2017 nhập khẩu đến 53,4 triệu USD, cao gấp đôi so với 2 thị trường xếp kế tiếp là UAE và Ai Cập.
Tuy nhiên từ tháng 1.2018, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Ả Rập Xê Út (SFDA) tạm đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm cá, giáp xác và các sản phẩm thủy sản khác từ Việt Nam. Lý do của việc tạm đình chỉ này được đưa ra căn cứ vào “Báo cáo quý về tình hình dịch bệnh thủy sản khu vực Thái Bình Dương” của Tổ chức OIE và trên kết quả chuyến công tác của SFDA tại Việt Nam vào cuối năm 2017. Việc đình chỉ này gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Đông.
SFDA còn yêu cầu Việt Nam phê chuẩn “Chương trình chăn nuôi Halal”, theo đó các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường Ả Rập Xê Út phải kèm Giấy chứng nhận Halal theo mẫu. Thậm chí thức ăn thủy sản sử dụng tại các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi trồng phải đáp ứng yêu cầu thức ăn Halal. Đối với cơ sở nuôi, sản xuất giống, SFDA yêu cầu cơ sở sản xuất giống phải có chứng nhận ASC hoặc GAP, cơ sở nuôi phải có chứng nhận ASC, GlobalGAP hoặc GMP.
Cũng tại khu vực Trung Đông, mới đây Kuwait ngừng thông quan tôm Việt Nam. Việc ngưng thông quan này bắt đầu từ ngày 17.5.2018. Nguyên nhân là một số sản phẩm tôm và động vật giáp xác (tươi, ướp lạnh, đông lạnh, đã qua xử lý) có xuất xứ từ Việt Nam xuất hiện virus bệnh đốm trắng (WSSV) và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS).
Bình luận (0)