Tôm Việt lại gặp khó ở Hàn Quốc

Chí Nhân
Chí Nhân
14/05/2018 06:46 GMT+7

Trong tháng 6 tới đây, Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) sẽ cử đoàn công tác sang VN để đánh giá hoạt động kiểm soát hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm xuất khẩu của VN.

Hoạt động này xuất phát từ việc phía Hàn Quốc liên tục phát hiện các lô hàng tôm nhập khẩu của VN có tồn dư Nitrofurans (chất kháng sinh) trong 4 tháng đầu năm nay. Từ năm 2017, Hàn Quốc áp dụng chế độ kiểm tra 100% các lô hàng nhập khẩu vào nước này.
Cơ quan chức năng VN đã yêu cầu các doanh nghiệp (DN) cần chủ động tăng tần suất lấy mẫu kiểm tra, thẩm định chất lượng trước khi xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro. Riêng với các DN vi phạm phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Bởi Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 5 của VN, đây cũng là thị trường tăng trưởng dẫn đầu top 5 với con số đến 40% trong năm 2017. Thị trường này rất ưa chuộng các sản phẩm tôm thẻ chân trắng (sống/tươi/đông lạnh) với tỷ trọng trung bình khoảng 70% trong tổng số lượng xuất khẩu, còn lại là tôm sú 20% và tôm biển. Các lô hàng bị phát hiện nhiễm kháng sinh toàn bộ là tôm thẻ, điều này rất dễ dẫn đến nguy cơ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, hiệp định thương mại tự do song phương với Hàn Quốc giúp xuất khẩu tôm VN vào thị trường này tăng mạnh nhờ lợi thế cạnh tranh về giá. Bên cạnh đó, các đối thủ của VN ở thị trường này như Ấn Độ, Thái Lan đang gặp một số khó khăn về thuế và chất lượng. Nhưng nếu các DN VN muốn tiếp tục tận dụng cơ hội tăng xuất khẩu vào thị trường này, phải bảo đảm các yêu cầu về chất lượng vì Hàn Quốc là một thị trường khó tính. Điểm đáng chú ý khác, Ecuador - nhà cung cấp tôm lớn thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và VN - đang đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào thị trường Hàn Quốc. Hiện Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 thị trường lớn của con tôm Ecuador. Xuất khẩu tôm vào Hàn Quốc năm 2017 tăng 48%, cao nhất châu Á.
Các số liệu thống kê của cơ quan chức năng VN gần đây cho thấy tình trạng nhiễm hóa chất, tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm thủy sản xuất khẩu đã giảm đáng kể. Cụ thể, năm 2015 có 70 lô hàng bị các nước nhập khẩu cảnh báo, chiếm tỷ lệ 0,07% thì đến năm 2016 còn 40 lô, chiếm tỷ lệ 0,03% tổng lô hàng xuất khẩu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.