Tồn dư hóa chất trong rau, thịt có chiều hướng tăng

20/04/2009 23:49 GMT+7

Đó là những đánh giá mà báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra trong phiên họp hôm qua 20.4.

Thực trạng đáng lo ngại

Báo cáo của Đoàn giám sát cho biết hiện mỗi năm cả nước sản xuất được 11,5 triệu tấn rau các loại, nhưng việc kiểm soát sản phẩm này chưa tốt, ngay cả ở những thành phố lớn như TP.HCM cũng mới chỉ kiểm soát được 20 - 30%. Đoàn giám sát nhận xét: "Tình trạng rau xanh bị ô nhiễm do vi sinh vật tuy có chiều hướng giảm nhưng vẫn ở mức độ cao".

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả kiểm tra ngẫu nhiên trên rau, quả tại TP Hà Nội, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, TP.HCM trong quý 3 và 4/2008 cho thấy, trong 76 mẫu thì có tới 52,6% mẫu (40 mẫu) bị nhiễm E.Coli vượt quá giới hạn cho phép, 7,9% mẫu nhiễm Samonella (6 mẫu). Đối với thịt và các sản phẩm thịt tươi sống, mức độ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh còn cao hơn so với rau quả. Tại TP.HCM, trong số 69 mẫu thịt lợn có tới 37 mẫu nhiễm S.Aureus vượt quá giới hạn cho phép (chiếm tới 53,6%), trong số 69 mẫu thịt gà có 41 mẫu nhiễm S.Aureus (chiếm 59,4%)...

Đáng lo hơn, báo cáo của Đoàn giám sát chỉ ra rằng: "Tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) trong rau có chiều hướng tăng". Cụ thể, ô nhiễm do tồn dư thuốc BVTV giai đoạn 2004 - 2006 là 4,9%, nhưng ở giai đoạn 2007 - 2008 đã tăng lên 5,72%. Trong số 412 mẫu rau được lấy từ các chợ đầu mối, các siêu thị và vùng sản xuất tại TP Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh lân cận để kiểm tra, đã phát hiện ra 48 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn tối đa cho phép (chiếm 11,65%), có 1 mẫu có dư lượng thuốc BVTV cấm sử dụng Endosunfal (chiếm 0,2%). Trong 99 mẫu quả được kiểm tra thì có 15 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn tối đa cho phép (chiếm 15,15%).

Theo ông Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát, một số hóa chất cấm sử dụng như Salbutamol và Clenbuterol nhưng vẫn còn tồn dư trong thịt. Đoàn giám sát khẳng định: "Tồn dư hóa chất trong sản phẩm thịt có chiều hướng tăng". Giai đoạn 2004 - 2006, sản phẩm thịt có tồn dư hóa chất chiếm là 3,91%, sang năm 2007 - 2008 tăng lên 6,39%.

Đoàn giám sát cũng tỏ ra quan ngại về việc kiểm soát đối với hàng nhập theo đường tiểu ngạch. Thậm chí, ngay cả đối với sản phẩm được nhập khẩu chính thức qua các cửa khẩu cũng chưa hoàn toàn yên tâm về chất lượng. Việc kiểm tra chất lượng ATVSTP chủ yếu là dựa vào cảm quan vì trang thiết bị để kiểm tra còn thiếu và lạc hậu.

Không yên tâm cũng vẫn phải ăn

Bên cạnh những bất cập, báo cáo giám sát cũng đề cập đến một số tiến bộ trong lĩnh vực quản lý ATVSTP trong thời gian qua, như tỷ lệ số lượng gia cầm, gia súc giết mổ được kiểm soát ngày càng tốt, tỷ lệ số mẫu rau, quả tươi đạt yêu cầu 90,5% (2007 -2008), ô nhiễm do hóa chất bảo quản thực phẩm giảm...

Ở mặt hàng đồ uống, Đoàn giám sát đưa ra thống kê: mỗi năm, các cơ sở sản xuất thủ công tung ra thị trường 250 - 300 triệu lít rượu và có tới 95,7% người uống rượu sử dụng loại rượu này. Trong khi đó, việc kiểm soát hàm lượng methanol, aldehyt trong rượu sản xuất ở các cơ sở chế biến thủ công thì chưa tốt. Thực tế đã có nhiều trường hợp bị chết do ngộ độc rượu. Chỉ trong vòng 20 ngày, từ 9.10 đến ngày 29.10.2008, trên địa bàn TP.HCM đã ghi nhận được 11 ca tử vong trong tổng số 30 ca ngộ độc rượu.

Tuy vậy, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên tỏ ra chưa yên tâm với những số liệu của các bộ báo cáo cho Đoàn giám sát. Ông Kiên nói: "Người tiêu dùng ra chợ không biết mua hàng của ai để hạn chế ô nhiễm". Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển hưởng ứng: "Ngay cả số liệu của báo cáo cũng phải được xem xét. Tình hình như thế (cả nước mới chỉ có 8,5% diện tích rau đạt tiêu chuẩn an toàn - PV), mà đánh giá là có tới trên 90% rau quả đạt yêu cầu là có vấn đề". Ông Hiển cho rằng, với cách quản lý không bắt đầu từ cái gốc như hiện nay thì không bao giờ giải quyết được vấn đề ATVSTP. "Không quản lý được từ khâu sản xuất (số lượng gia súc gia cầm giết mổ cũng mới chỉ quản lý được 58,1% - PV) thì khâu tiêu thụ dù có làm tốt đến đâu cũng không đảm bảo được chất lượng", ông Hiển nói, và kể ông luôn cảm thấy rùng mình, nổi da gà mỗi khi vô tình nghĩ tới hình ảnh người dân ngâm tẩm xách bò mà ông đã xem qua truyền hình. Ông Hiển than: "Khi đi mua hàng, độ tin cậy yên tâm là rất thấp nhưng không thể làm khác được vì không mua thì không có cái ăn".

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Thuật cho biết Bộ đã bàn và thống nhất với Bộ Y tế, đề nghị cho phép thành lập ở mỗi tỉnh một chi cục quản lý chất lượng nông sản. Ông Thuật cam kết: "Có lực lượng này thì chắc chắn khâu quản lý sẽ tốt hơn".

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.