Chim đột biến giá hàng trăm triệu đồng
Mới bước sang tháng 3, anh Hoàng Văn Hải, một nghệ nhân lai tạo chim cảnh tại Hà Nội đã chốt được khá nhiều đơn hàng, gồm những loại chim chào mào đột biến có màu sắc hòa trộn hết sức thu hút. Anh Hải cho biết, nhu cầu chơi chim lạ của giới sưu tầm rất đa dạng. Những loại chim như bạch trống, chào mào được săn tìm rất nhiều. Giá mỗi con chim dao động từ 28 - 30 triệu đồng/con nhưng vẫn hút hàng. Gần đây các trại lai tạo ghép nhiều loại với nhau để tạo ra những loài đột biến, có màu sắc lạ lẫm. Có những con cực đẹp giá trị lên đến 350 triệu đồng mà chính anh Hải đã bán cách nay 2 năm. Theo anh Hải, thị trường sinh vật cảnh độc lạ mặc dù âm thầm nhưng luôn sôi động, chỉ cần xuất hiện vật phẩm đẹp là lập tức có người mua ngay.
Chim hoàng khuyên trị giá hơn 500 triệu đồng |
quang thuần |
Trong giới chơi chim độc lạ ở Hà Nội, có lẽ không ai không biết đến ông Dương Văn Chương. Là một doanh nhân nổi tiếng, thành đạt trong lĩnh vực thời trang, ông Chương có điều kiện để tận hưởng thú chơi chim của mình. Ông Chương cho biết, bản thân đam mê thú nuôi chim từ nhỏ. Cách nay 18 năm ông bắt đầu đầu tư cho thú vui này. Bộ sưu tập chim cảnh quý lên tới hơn 60 con với tổng giá trị khoảng 10 tỉ đồng. Đặc biệt, trong số này nhiều con chim hoàng khuyên, chào mào, chích chòe than bạch, chích chòe lửa bông kiếm trắng, họa mi bạch tạng, chim rẽ quạt bạch tạng… được xem là “độc nhất vô nhị”, ở Việt Nam chỉ mình ông có. Ông Chương chia sẻ: Để tìm được một con chim đẹp, hội tụ đầy đủ các yếu tố như: màu lông đẹp, thần thái tinh anh, giọng hót hay, thì phải lặn lội khắp nơi tìm kiếm mới có được. Thậm chí, đối với nhiều con chim quý, ông Chương phải mất nhiều thời gian đeo đuổi mới thuyết phục thành công.
Bộ sưu tập chim quý của ông Chương |
quang thuần |
Không chỉ chim hoàng khuyên, ông Chương còn sở hữu hàng chục con chim khác… có giá từ 150 - 400 triệu đồng/con. Trong số này, nổi tiếng nhất là “nữ hoàng” chào mào từng gây xôn xao dư luận bởi vẻ đẹp và giọng hót hay. “Tổ chim này có 3 con, 2 con khuyên thường là mái và 1 con trống là hoàng khuyên chân hồng, mỏ hồng mắt đỏ như ngọc ruby. Sau đó, có người trả giá mua lại con chim mắt đỏ quý với giá 500 triệu nhưng tôi không bán”, ông Chương nói.
Bộ sưu tập chim quý hàng chục tỉ đồng của ông Dương Văn Chương (Hà Nội) |
quang thuần |
Kho đá quý khổng lồ
Với sở thích sưu tầm từ lúc nhỏ và một niềm đam mê mãnh liệt với đá quý, ông Trần Anh Tuấn, CEO một công ty chuyên về dược nhưng lại đang sở hữu một bảo tàng đá quý và cổ vật độc nhất Việt Nam.
Ông Trần Anh Tuấn đã tốn hàng trăm tỉ đồng để sở hữu bộ sưu tập đá quý độc đáo |
quang thuần |
“Kho tàng” của ông Tuấn được xây dựng trên một khu đất rộng 3 hecta, nằm ở ngoại ô TP.HCM. Nhìn từ xa, khu sưu tầm bảo vật được xây dựng thành những gian nhà cổ Nam bộ cột gỗ, ngói đỏ, trông rất mát mẻ và thanh tịnh. Ông Trần Anh Tuấn ngoài 50 tuổi, đầy nét trẻ trung và nụ cười luôn nở trên môi. Đưa chúng tôi đi tham quan, ông Tuấn giới thiệu: “Ở đây có hàng chục ngàn mẫu vật, nếu xem lướt nhanh thì mất 3 giờ đồng hồ còn nếu nghiên cứu kỹ thì phải mất 3 ngày. Mới đây có một đoàn khách châu Âu sang tham quan, họ đánh giá hiện vật của mình không thua kém, thậm chí phong phú hơn hẳn tất các bảo tàng tư nhân của châu Âu”.
Vào khu trưng bày đá quý, chúng tôi ai cũng há hốc mồm trước sự phong phú và độ quý giá của nó. Có viên đá nở ra 5 bông hoa vàng một cách hài hòa. Có viên thiên thạch to như quả trứng, cháy đen lạ lùng.
Còn đá quý lấp lánh thì nhiều không kể xiết với đủ hình, đủ kiểu... “Đây là những viên đá hoàn toàn tự nhiên, tôi đã mất hơn 15 năm đi khắp Việt Nam và những nước từng đi qua để sưu tầm. Đến nay, tuy chưa thống kê nhưng tôi đoán không thể ít hơn 3.000 viên”, ông Tuấn nói.
Tảng đá quý được xem là lớn nhất Việt Nam hiện nay |
quang thuần |
Hiện ông Trần Anh Tuấn đang sở hữu tảng đá quý dạng thô lớn nhất Việt Nam. Khi vận chuyển tảng đá này, xe chở đá đi qua một cây cầu yếu và làm sập cầu, ông Tuấn phải bỏ gần 1 tỉ đồng để xây lại.
Ông Tuấn còn sở hữu một bộ sưu tập độc đáo là cổ vật trục vớt được từ 5 con tàu đắm ở vùng biển Việt Nam. Bộ sưu tập này sau đó đã được ông chuyển nhượng cho một đại gia trong lĩnh vực vận chuyển ở Đồng Tháp.
Bình luận (0)