Thanh Niên Online đăng tải toàn văn bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội lần thứ 10 Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra vào sáng nay, 9.8.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội lần thứ 10 Hội nhà báo Việt Nam - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Đại hội lần thứ 10 Hội Nhà báo Việt Nam - một sự kiện chính trị quan trọng của những người làm báo cả nước.
Trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin gửi đến các vị đại biểu, các đồng chí, và qua các đồng chí đến toàn thể anh chị em làm báo nước nhà lời chào thân ái và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp. Đại hội của chúng ta diễn ra đúng vào năm đất nước có nhiều sự kiện quan trọng: Kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9; 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng… Giới báo chí cả nước cũng vừa kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, 65 Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.
90 năm qua, Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã trở thành một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng; nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là “lời hịch cách mạng”, “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng báo cả nước cùng ra trận. Từ trong máu lửa chiến tranh, hàng trăm nhà báo - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng và của dân tộc.
Trong thời kỳ đổi mới, gần 30 năm qua, những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Sự nghiệp đổi mới của chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Năm năm gần đây, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp. Sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Chính phủ cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành của cộng đồng doanh nghiệp và của nhân dân, đã đưa nước ta vượt qua giai đoạn hết sức khó khăn, đất nước tiếp tục ổn định và phát triển. Xu thế toàn cầu hóa truyền thông, thông tin vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn đối với hoạt động của báo chí nói chung cũng như Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đối với công tác báo chí và hoạt động của Hội Nhà báo.
Đến nay, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt. Diện mạo, số lượng, chất lượng các ấn phẩm, các chương trình phát thanh, truyền hình và công nghệ làm báo… đã đạt được những bước tiến lớn. Chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa và kỹ thuật - nghiệp vụ của báo chí ngày càng được hoàn thiện. Đội ngũ những người làm báo tăng nhanh, mặt bằng trình độ được nâng cao. Nhận thức và đòi hỏi cao của công chúng đối với báo chí vừa đặt ra yêu cầu và thách thức mới, vừa tạo ra động lực mới cho báo chí phát triển. Nguồn lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật của hệ thống báo chí ngày càng được cải thiện rõ rệt. Số lượng các cơ quan báo chí và đội ngũ anh chị em làm báo đến nay răng nhiều lần so với những năm đầu đổi mới. Số người sử dụng internet của Việt Nam đạt mức cao ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á. Báo mạng điện tử và truyền thông đa phương tiện đã tạo ra khả năng to lớn cho việc truyền tải thông tin của các cơ quan báo chí và việc tiếp nhận thông tin của nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước”, báo chí đã phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh và cổ vũ các nhân tố mới, điển hình tiên tiến và những thành tựu của công cuộc đổi mới. Đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh những ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, các giới đồng bào. Kịp thời phê phán, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, những thói hư tật xấu trong xã hội; phê phán, bác bỏ những thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch, góp phần vào việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới. Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác thông tin về chủ quyền biển đảo, thông tin tuyên truyền đối ngoại, thông tin về những thành tựu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, về các giá trị văn hóa truyền thông của dân tộc ra thế giới, thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Nhiều cơ quan báo chí còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, giúp đỡ những địa phương, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đội ngũ hùng hậu hơn 22 nghìn nhà báo - hội viên trong cả nước đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, yêu Tổ quốc, tin tưởng và trung thành với Đảng, với dân tộc, tinh thông nghề nghiệp, tiếp cận nhanh và làm chủ được công nghệ làm báo hiện đại.
Không ngẫu nhiên mà lực lượng báo chí nước ta đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những đóng góp to lớn của báo chí cả nước cũng như của Hội Nhà báo Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, hoạt động của báo chí còn bộc lộ không ít hạn chế, khuyết điểm. Còn có những biểu hiện thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận, chưa thực hiện tốt tôn chỉ mục đích; còn để lọt thông tin không trung thực, thiếu chính xác, giật gân, câu khách, lộ bí mật; khai thác thông tin nước ngoài thiếu chọn lọc; chưa làm tốt công tác phát hiện, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước. Một số cơ quan báo chí chậm đổi mới nội dung và hình thức; tuyên truyền thiếu hấp dẫn, chưa làm chủ được thông tin. Còn có cán bộ, phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật. Việc xử lý những sai phạm trong hoạt động báo chí còn có trường hợp chưa nghiêm, chưa có những đề tài thích đáng, đủ mạnh để răn đe, khắc phục. Hoạt động của Hội Nhà báo ở một số nơi vẫn còn hình thức, hiệu quả chưa cao.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đây là sự nghiệp vô cùng to lớn; bên cạnh thời cơ, thuận lợi là cơ bản khó khăn thách thức cũng còn nhiều, đòi hỏi toàn xã hội phải có sự đồng tâm nhất trí cao, quyết tâm nỗ lực lớn, có niềm tin vững chắc và ý chí, nghị lực phi thường. Báo chí phải làm sao để góp phần tạo nên sự đồng tâm, đồng thuận xã hội và sức mạnh tổng hợp to lớn cho cách mạng. Mỗi nhà báo, cơ quan báo chí cần phát huy truyền thống vẻ vang do các thế hệ những người làm báo bồi đắp suốt 90 năm qua, xây dựng bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị của mình, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và lòng mong đợi của nhân dân.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp cách mạng; luôn quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để báo chí phát triển và mong muốn giới báo chí và Hội Nhà báo nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang và cao cả của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Các bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”; “Nhiệm vụ của Hội Nhà báo là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng”.
Tại Đại hội này, tôi muốn nhấn mạnh thêm một số vấn đề để các đồng chí nghiên cứu, thảo luận, đề ra và triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ tới:
Trước hết, anh chị em làm báo cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Mỗi người làm báo là một chiến sĩ cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân.
Thứ hai, báo chí cần góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh, xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh đoàn kết, thống nhất, đồng thuận toàn dân tộc. Thông tin trên báo chí phải có tính thời sự cao, lành mạnh, thiết thực, có tính chiến đấu, định hướng dư luận…; kiên quyết loại bỏ những tin, bài ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, tình cảm, đời sống xã hội; đừng làm phân tâm xã hội, phân rã niềm tin.
Thứ ba, báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là người tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hóa tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; diễn đàn để nhân dân tham gia các công việc của đất nước, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao trình độ dân trí; động viên, cổ vũ nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng.
Thứ tư, các cấp Hội Nhà báo cần chú trọng hơn nữa nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp hội viên, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện những quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam để xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị về nội dung tư tưởng và cách thức thể hiện phong phú, hấp dẫn. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng, các cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo trong việc không ngừng nâng cao vai trò, vị trí, chất lượng và hiệu quả hoạt động Hội.
Thứ năm, cần đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí, tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý bảo chí cần nâng cấp chất lượng công tác tham mưu, xây dựng chủ trương, đường lối phát triển và quản lý báo chí, bảo đảm nguyên tắc: Phát triển phải đi đôi với quản lý, và quản lý phải theo kịp sự phát triển, tạo mọi điều kiện để báo chí hoạt động có chất lượng và hiệu quả.
Trong những ngày này, toàn Đảng ta đang tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng. Để góp phần vào thành công của đại hội, các cơ quan quan báo chí cần nắm vững yêu cầu, tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về đại hội, có kế hoạch tổ chức tuyên truyền sâu đậm sự kiện chính trị quan trọng này. Vừa tập trung cổ vũ các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, vừa tổ chức để các tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội. Đây là kênh thông tin quan trọng để phát huy trí tuệ, tinh thần dân chủ, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng. Đây cũng là dịp để chúng ta khẳng định nhất quán quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng; kiên quyết đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, lợi dụng tự do, dân chủ, đòi đa nguyên, đa đảng, lợi dụng chống tham nhũng, tiêu cực, thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên để quy kết, bôi xấu chế độ, kích động, làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước ta, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ. Báo chí phải là người đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng, tỉnh táo, cảnh giác, lấy chính thực tiễn sinh động của đất nước đổi mới để tấn công, vạch trần những âm mưu thâm độc của các thế lực xấu, thù địch, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra cho báo chí và Hội nhà báo hiện nay là hết sức nặng nề nhưng cũng thật vẻ vang. Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống tốt đẹp và những kinh nghiệm phong phú đã có, đội ngũ những người làm báo Việt Nam sẽ ngày càng vững vàng về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, hoàn thành sứ mệnh cao cả là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa Đảng; tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, ngôi nhà chung của những người làm báo cả nước.
Xin chúc các vị đại biểu và các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
Cần đổi mới cơ chế, chính sách với báo chí
Phát biểu bế mạc đại hội, ông Thuận Hữu, Tổng biên tập Báo Nhân dân, tân Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa 10, cho biết trong ba ngày làm việc, đại hội đã đánh giá hoạt động của Hội trong 5 năm qua, khẳng định, biểu dương những nỗ lực, thành tựu và những đóng góp quan trọng của báo chí cả nước, của Hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, Đại hội cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế yếu kém trong hoạt động báo chí cũng như hoạt động của các cấp cấp hội, xác định phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hội trong nhiệm kỳ tới. Đại hội cũng đã xem xét bổ sung điều lệ hội khóa 9 với nhiều điểm mới phù hợp với tình hình hoạt động của báo chí và Hội trong giai đoạn 2015-2020.
Đại hội cũng đã phân tích tình hình báo chí trong nước và quốc tế những thách thức và cơ hội đặt ra trong công tác hội hiện nay. Theo ông Thuận Hữu, các đại biểu đã khẳng định những năm gần đây báo chí nước ta phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và không ngừng đổi mới phương thức hoạt động.
Sự đổi mới không chỉ thể hiện ở số lượng cơ quan báo chí tăng hằng năm, số người hoạt động trong lĩnh vực báo chí tăng, chất lượng đội ngũ nhà báo từng bước được nâng cao, mà còn thể hiện ở sự phát triển các loại hình báo chí đa phương tiện, các mô hình cơ quan báo chí đa phương tiện, phóng viên đa phương tiện.
Các đại biểu cho rằng sự đổi mới còn thể hiện ở sự tương tác hai chiều giữa báo chí và mạng xã hội. Điều này vừa tạo cơ hội, vừa đặt ra thách thức đối với các nhà báo, nhà lãnh đạo và quản lý. Đây cũng là là sự tham gia và ảnh hưởng ngày càng sâu sắc của công chúng đối với hoạt động báo chí.
Các ý kiến tại Đại hội thống nhất nhận thức chung hơn lúc nào hết cả nhà báo cần thể hiện bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, phẩm chất đạo đức của người làm báo cách mạng trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin.
Bên cạnh đó các đại biểu cũng khẳng định các cơ quan báo chí cần đổi mới tư duy, mô hình đầu tư hiện đại hóa theo kịp xu thế báo chí thế giới và khu vực. Đồng thời cần đổi mới cơ chế chính sách đối với báo chí để các nhà báo và cơ quan báo chí có thể hoạt động tốt nhất phục vụ lợi ích của đất nước, nhân dân; để công chúng tham gia vào việc cung cấp thông tin, xã hội hóa nguồn lực và giám sát báo chí…
Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 10 đã bầu ra Ban chấp hành mới gồm 57 người. Ban Chấp hành cũng đã bầu ra Ban Thường vụ với 11 ủy viên, gồm: ông Thuận Hữu (Tổng biên tập Báo Nhân dân), ông Trương Minh Tuấn (Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông), ông Nguyễn Thế Kỷ (Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư), ông Trần Bình Minh (Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam), ông Nguyễn Đức Lợi (Tổng Giám đốc TTXVN), ông Nguyễn Bé (Tổng biên tập báo Cà Mau), ông Phạm Văn Huấn (Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân), ông Phạm Văn Miên (Tổng biên tập Báo Công an Nhân dân), ông Hồ Quang Lợi (Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội), ông Mai Đức Lộc (Tổng biên tập Báo Đà Nẵng), ông Nguyễn Quý Hòa (Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM). Trong số 57 ủy viên Ban chấp hành, có Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông. (Trường Sơn)
|
Bình luận (0)