Đúng 8 giờ (giờ địa phương, tức 19 giờ Việt Nam) ngày 6.7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quân sự Andrews, bắt đầu chuyến thăm chính thức theo lời mời của Chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến sân bay quân sự Andrews ngày 6.7 - Ảnh: TTXVN
|
Đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại sân bay có đại diện chính phủ Mỹ, Đại sứ Việt Nam Phạm Quang Vinh cùng các cán bộ, nhân viên đại sứ quán và đông đảo bà con người Việt tại nước này. Các vị đại sứ, đại biện những thành viên ASEAN tại Mỹ cũng có mặt.
Đây là lần đầu tiên một vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam có chuyến thăm chính thức đến Mỹ. Sự kiện này diễn ra sau 40 năm chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước, 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ và 2 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương phát triển tích cực, ổn định trong thời gian tới, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện song phương. Hai bên cũng sẽ trao đổi, chia sẻ quan điểm về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
|
Tôn trọng thể chế chính trị Việt Nam
Vì tính chất đặc biệt, trọng đại của chuyến thăm, truyền thông quốc tế đã thể hiện sự quan tâm sâu sát ngay từ trước khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu Việt Nam đến nơi. Các hãng thông tấn lớn như AP, Bloomberg đều có bài phân tích hoặc phỏng vấn Tổng bí thư về ý nghĩa chuyến thăm cũng như quan hệ Việt - Mỹ. Đặc biệt, The Washington Post, tờ báo nổi tiếng uy tín nhất nhì của Mỹ, đã đăng bài viết của Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Hoàng Bình Quân về sự phát triển nhanh chóng của quan hệ song phương.
“Ít có quốc gia nào đã làm thay đổi mối quan hệ sâu sắc trong một khoảng thời gian ngắn như Việt Nam và Mỹ”, bài báo viết và nhận định thêm rằng chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “tiếp tục đánh một dấu mốc mới trong quan hệ giữa hai nước” đồng thời là tín hiệu thể hiện “sự tôn trọng của Mỹ đối với thể chế chính trị của Việt Nam”.
Ông Hoàng Bình Quân cũng cho rằng “hệ thống chính trị Việt Nam không phản chiếu hệ thống chính trị Mỹ” nhưng “những đối tác mạnh mẽ - những người bạn tốt - không nhất thiết phải là những người tương đồng nhất, mà là những người có thể chấp nhận lẫn nhau và có đối thoại thẳng thắn về những khác biệt”. Sau khi dẫn chứng các dữ liệu về hợp tác ngày càng tăng giữa Việt Nam và Mỹ trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, an ninh đến đồng thuận về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và bảo đảm tự do hàng hải, bài viết khẳng định quan hệ Việt - Mỹ là quan hệ “hai bên cùng thắng” và hai nước là “những đối tác tự nhiên khi nói tới việc cùng thúc đẩy ổn định tại châu Á - Thái Bình Dương”.
Theo ông Hoàng Bình Quân, chuyến thăm chính thức của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không những tô đậm những thành tựu quan hệ trong thời gian qua mà quan trọng hơn là sẽ góp phần mở ra những thay đổi tích cực hơn. Dù có hay chưa có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì Việt Nam vẫn chào đón nhiều khoản đầu tư từ Mỹ và muốn nước này trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, bài viết trên The Washington Post cũng kêu gọi Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, vốn không kém cởi mở hơn một số quốc gia châu Âu và đang nỗ lực cải cách ở những lĩnh vực còn vấn đề, đồng thời tăng cường hơn nữa các cử chỉ thiện chí trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc da cam.
Bài viết của ông Hoàng Bình Quân nhắc lại rằng dù 2 nước sẽ không trong “một sớm một chiều” chấp nhận hoàn toàn quan điểm của nhau về một số vấn đề nhưng “với việc mời Tổng bí thư Đảng Cộng sản, chức danh không có vị trí tương đương trong hệ thống chính quyền Mỹ, Washington đã thể hiện tôn trọng đầy đủ hơn thể chế chính trị của Việt Nam”. “Miễn là chúng ta tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau và đối thoại chân thành, quan hệ của chúng ta chắc chắn tiếp tục phát triển”, bài viết kết luận.
Bình luận (0)