Tổng kết diễn đàn "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?": Biểu dương ý chí vươn tới một nước Việt hùng cường

06/08/2006 01:49 GMT+7

Sáng 5/8, ngay sau khi kết thúc cuộc đi bộ đồng hành của hơn 7.000 người (bấm vào đây xem video) để gây Quỹ "Đào tạo nhân tài nước Việt", tại Hội trường Dinh Thống Nhất (TP.HCM) đã diễn ra Hội nghị tổng kết diễn đàn "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?". Nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu một lần nữa khơi dậy niềm tự hào cùng nỗi trăn trở trước vận mệnh đất nước. >> Bên hành lang hội nghị tổng kết diễn đàn

Trách nhiệm trước sự hưng thịnh của đất nước

Đến dự Hội nghị có nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển; Ủy viên Trung ương Đảng - Phó trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Vũ Trọng Kim; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN Nông Quốc Tuấn; nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và xã hội Việt Nam, giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu; Phó chủ tịch thường trực Hội LHTN VN Trần Quốc Huy; Vụ trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Trương Minh Nhựt... cùng hơn 400 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp, các nhân sĩ, trí thức, đoàn viên, sinh viên ưu tú và bạn đọc thân thiết của Báo Thanh Niên. Hơn 50 cơ quan báo chí trong và ngoài nước cũng đã cử phóng viên đến dự và đưa tin...

Từ trái qua và từ trên xuống Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị; Giáo sư - Anh hùng lao động Vũ Khiêu; Nhà sử học Dương Trung Quốc; Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân; Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế. Ảnh: Diệp Đức Minh

Diễn đàn "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?" được Báo Thanh Niên mở ra từ ngày 27/3 - 30/6/2006, thu hút hàng vạn lượt ý kiến của bạn đọc trong và ngoài nước, thể hiện tâm huyết, sự trăn trở của mọi tầng lớp người Việt Nam mong muốn đất nước ngày càng hùng mạnh. Đã có 200 bài viết được đăng báo và Nhà xuất bản Thông tấn in thành sách.

Dù chương trình dự kiến 9h mới bắt đầu, nhưng từ trước 8h, nhiều đại biểu đã có mặt. Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, từ Cà Mau - nơi ông đang thị sát công tác giáo dục - đã gần như suốt đêm ngồi ô tô để kịp đến dự Hội nghị tổng kết diễn đàn... Các vị khách quý khác của diễn đàn cũng đều có mặt sớm và hầu hết các phát biểu sau đó đều in đậm dấu ấn của những suy nghĩ thật tâm huyết, hào hứng và tầm vóc đối với sự nghiệp chấn hưng đất nước trên các lĩnh vực mà diễn đàn đặt ra.

Không để mất từng phút quý báu của các đại biểu, đúng 9h, Hội nghị bắt đầu với phần phát biểu của anh Nguyễn Công Khế, Phó chủ tịch Hội LHTN VN, Tổng biên tập Báo Thanh Niên: "Tháng 3 năm nay, nhân Tháng Thanh niên, chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X và chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Hội LHTN VN - một tổ chức tập hợp đoàn kết rộng rãi nhất các tầng lớp thanh niên Việt Nam - diễn đàn "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?" được mở ra từ tháng 3 đến ngày 30/6/2006 nhằm cổ vũ cho một loạt ý kiến, đề xuất, góp tâm huyết của mọi tầng lớp thanh niên, độc giả trong và ngoài nước nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, hùng mạnh, đủ sức hội nhập với quốc tế và đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế".

Từ diễn đàn trên, Báo Thanh Niên cùng các công ty như Công ty thương mại dịch vụ G7, Công ty FPT, Công ty cổ phần VinaGame, Công ty ô tô Trường Hải, Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt kiều, Ngân hàng Phương Nam, Công ty VINCOM... và nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục, doanh nhân tâm huyết trong và ngoài nước đứng ra thành lập Quỹ "Đào tạo nhân tài nước Việt" ra mắt vào ngày 5/8. Quỹ đã nhận được sự đóng góp gần 6 tỉ đồng từ những đơn vị và cá nhân tâm huyết với sự nghiệp "Đào tạo nhân tài nước Việt". Mục tiêu của quỹ là góp phần thúc đẩy cho một phong trào hành động, làm cho mọi người, mọi thành phần ngày càng lưu tâm nhiều vào sự phát triển, đào tạo và sử dụng nhân tài để chấn hưng đất nước. "Tôi mong rằng các ý kiến mang tính tổng kết sáng nay sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho giới trẻ và cho người Việt Nam nói chung, biết tự hào chính đáng về lịch sử, về trí tuệ và sự thông minh, về tiềm lực của đất nước cũng như những đặc điểm quý giá của con người Việt Nam, đồng thời cũng sẽ tìm tiếng nói chung cho các vấn đề mang nhiều thách thức nhất đang đặt ra cho đất nước chúng ta hiện nay" - anh Nguyễn Công Khế nói.

Trong phát biểu tiếp theo, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch danh dự Quỹ “Đào tạo nhân tài nước Việt", cho rằng: "Diễn đàn "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?" đã bắt đầu phát động cuộc đấu tranh "Vì một nước Việt Nam hùng mạnh", một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, phồn vinh và văn minh". Nguyên Phó chủ tịch nước mong muốn mọi người Việt Nam ở tất cả các giới, các ngành, các địa phương..., trước hết là tầng lớp thanh niên, hưởng ứng mạnh mẽ phong trào và "hãy có một kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực nhưng quyết liệt và có hiệu quả vì một nước Việt Nam hùng mạnh".

Quang cảnh Hội nghị tổng kết diễn đàn. Ảnh Diệp Đức Minh

Hùng mạnh trên 2 nền tảng: kinh tế - văn hóa

Không hẹn mà gặp, cả nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế đều nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục và kinh tế trong xu hướng hội nhập, đưa đất nước ngày càng hưng thịnh. Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh: "Bước vào giai đoạn mới, giai đoạn đấu tranh để phát triển đầy thử thách, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và nay mai chúng ta sẽ gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhân dân ta phải phấn đấu rất nhiều nữa, phải có quyết tâm lớn, đồng thời có trí tuệ cao mới có thể khắc phục những yếu kém và khó khăn, tận dụng cơ hội đưa đất nước tiếp tục đi lên để "Nước Việt Nam ta không nhỏ" và có vị trí xứng đáng trên thế giới". Còn anh Nguyễn Công Khế, sau khi dẫn số liệu bài viết gửi về Diễn đàn của Báo Thanh Niên có 45% ý kiến góp ý cho lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế; 20% góp ý về lĩnh vực văn hóa; 25% góp ý về giáo dục; 10% dành cho đề tài lịch sử... đã "đúc kết": "Tôi cho rằng hai lĩnh vực hội nhập kinh tế, chuẩn bị nội lực, thực lực cho kinh tế Việt Nam trước khi nước ta hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế thế giới và lĩnh vực giáo dục, đào tạo, sử dụng nhân tài làm sao để Việt Nam có một nền giáo dục có chất lượng cao sẽ là những vấn đề "nóng" nhất mà chúng ta cần quan tâm để xây dựng và phát triển đất nước".

Và đúng là hội nhập kinh tế và giáo dục là 2 vấn đề "nóng" trong các phát biểu tiếp theo sau đó. Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, trong phần mở đầu phát biểu của mình về diễn đàn cho rằng: "Đây là một diễn đàn hết sức thú vị, dù tôi không có điều kiện theo dõi hết do phải đi công tác xa". Theo ông, việc nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ có thể chia làm 2 phần. Phần "cứng" là dân số và lãnh thổ, là phần không thể thay đổi. Còn phần "mềm" bao gồm ý chí, bản lĩnh và trình độ. Phần "mềm" này nếu được định hướng bởi những đường lối đúng và phát huy được sức mạnh của cả dân tộc thì khi đó đất nước của chúng ta không phải là nhỏ.

Đề cập đến những thuận lợi và thách thức khi gia nhập WTO, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho rằng: "Thông thường một nước gia nhập WTO phải gặp khó khăn từ 3 - 5 năm. Nhưng nếu ta biết tận dụng cơ hội thì sau đó chúng ta sẽ phát triển mạnh lên. Hiện nay, chúng ta có 2 khuynh hướng nhưng cả hai khuynh hướng này đều không chính xác. Khuynh hướng thứ nhất là ngủ một đêm, hôm sau thấy mình gia nhập WTO và thấy đất nước Việt Nam thay đổi mau chóng. Điều này không có đâu. Không ai mang cái thay đổi đấy cho mình, mà phải tự mình thay đổi. Đây là quá trình tích tụ, phấn đấu, chắt chiu kiên cường ghê gớm. Cái khuynh hướng thứ hai cũng không đúng là "chết đến nơi rồi". Điều này cũng không đúng vì chúng ta hội nhập không phải từ một mảnh đất trống, chúng ta từng tham gia hiệp định ở khu vực mậu dịch tự do ASEAN và nhiều khu vực mậu dịch trong khu vực. Và chúng ta đã có nhiều thành tựu chứ không phải chúng ta đi vào WTO từ một vườn hoang. Nói chung là việc cạnh tranh này rất phức tạp và quyết liệt".

"Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sức ép về cạnh tranh rất lớn, có thể diễn ra ở 3 cấp độ. Cấp độ thứ nhất là giữa sản phẩm với sản phẩm; cấp độ thứ hai là giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; và thứ ba là cạnh tranh tổng lực giữa quốc gia với quốc gia. Điều đó đòi hỏi chúng ta các yếu tố về ý chí, bản lĩnh của người dân Việt Nam ở các thời điểm. Đến nay, chúng ta không thể phủ định năng lực của con người Việt Nam nhưng khơi gợi năng lực đó như thế nào là một vấn đề. Ngày xưa, đứng trước nguy cơ bị ngoại xâm, Phù Đổng đã vươn vai trở thành Thánh Gióng. Ý chí của người dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam là như thế, mà ý chí này nơi nào cũng có" - Bộ trưởng tin tưởng. 

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Chủ tịch HĐQT Công ty TM-DV G7 Đặng Lê Nguyên Vũ, cũng có một niềm tin mãnh liệt như Bộ trưởng Thương mại. Ông Vũ nói: "Xét tổng hòa các điều kiện và nguồn lực Việt Nam có được hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể thoát khỏi tình trạng tụt hậu, kém phát triển của một nước nhỏ trở thành một đất nước hùng mạnh nếu các nguồn lực và điều kiện kể trên được thiết kế khai thác hợp lý khi cùng hướng về một định vị quốc gia Việt Nam trong thế giới toàn cầu hóa".

Khẳng định "Giáo dục có sự nghiệp quan trọng đối với vận mệnh nước nhà", Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, khi đến lượt mình phát biểu, đã phân tích những thế mạnh và cả yếu kém trong hệ thống giáo dục hiện nay, đồng thời cho rằng cần phải có những biện pháp đổi mới toàn diện. "Tôi chỉ mới nhận nhiệm vụ đúng 1 tháng 5

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân

ngày nên không thể đưa ngay ra các biện pháp toàn diện, rất mong mọi người và toàn xã hội góp sức cùng ngành giáo dục. Tuy nhiên, điều đầu tiên chúng ta có thể làm vào lúc này là tuyên chiến với gian lận thi cử, bệnh thành tích. Nếu thầy dạy không trung thực, trò học không trung thực thì nền giáo dục không thể tốt được..." - Bộ trưởng nói và ngay lập tức nhận được những tràng pháo tay hưởng ứng.

Mỗi ý kiến là một bài tổng kết

Đi sâu phân tích về vai trò của doanh nhân trong việc làm cho nước Việt ngày càng hùng mạnh, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Chi Lan nhận định: "Mỗi người Việt Nam có lương tri đều phải thấy đau lòng và có trách nhiệm trước sự thua kém về kinh tế của đất nước. Doanh nhân Việt Nam càng phải thấy đau hơn, có trách nhiệm hơn. Doanh nhân phải là lực lượng xung kích đưa đất nước đi lên theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước trong khu vực và trên thế giới ngày nay".

Phát biểu tại hội nghị với tư cách là một bạn đọc, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị nhiều lần nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt bằng các tràng pháo tay của các đại biểu vì cách nói thẳng thắn và rất dí dỏm. Ông Nguyễn Minh Nhị nói vui: "Tôi có câu chuyện lý thú: hồi trẻ tôi thích chơi với ông già. Bây giờ già tôi lại thích chơi với người trẻ (cả hội trường cười). Nói như vậy để thấy rằng tôi rất thích đọc báo. Hồi trẻ tôi thường đọc 5-6 tờ báo mỗi ngày. Giờ nghỉ hưu rồi chỉ đọc 3 tờ, nhất là Báo Thanh Niên, Tuổi trẻ. Và tôi đọc được bài của nhà sử học Dương Trung Quốc, thấy rất hấp dẫn".

Ông Nguyễn Minh Nhị

Về đề tài "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?” ông Nhị tỏ ra tâm đắc: "Không biết anh Khế hay ai đặt cái tựa hay lắm, tế nhị, thâm thúy lắm. Tôi rất tán thành ý kiến của anh Dương Trung Quốc. Tôi cũng đồng ý với anh Tuyển về hai ý "quy mô", "dân số" và xin bổ sung thêm cái... phần cứng là lịch sử. Hồi nhỏ nghèo quá, thấy tủi nhục quá, bị ăn hiếp quá thì đi theo cách mạng thôi chứ nào có biết gì. Cho đến khi tôi cảm tưởng đất nước mình lớn, vĩ đại là cái ngày 30 tháng 4. Tôi thấy tâm hồn mình thăng hoa. Thăng hoa quá, kiêu hãnh quá rồi thành kiêu ngạo. Sài Gòn hòn ngọc viễn đông là vậy, các nước chung quanh ai cũng thán phục, bây giờ ngập nước tùm lum. Mình có một nền văn minh lúa nước, nhất thủy nhì nông, rồi quân sư phụ, trên thì cha, rồi thầy, rốt cuộc thầy nhảy xuống đất ngồi. Đau lòng lắm! Quân - vua không còn thì còn sư chứ? Một dân tộc tôn sư trọng đạo mà bây giờ thầy như vậy sao? (vỗ tay).

Cái nữa, trong kinh tế thì sĩ - nông - công - thương mà sĩ như vậy đó à? Còn nông may mà có đổi mới bây giờ mới có 5 triệu tấn gạo xuất khẩu, nhưng chưa phải là cường quốc anh Tuyển ơi. 5 triệu đó không ổn định về chất lượng và số lượng, khách hàng và thị trường (vỗ tay). Vậy thì lớn sao được? Tôi chỉ thấy có đánh giặc là lớn (vỗ tay) cho nên cũng buồn. Tôi biết đồng chí Nhân, tôi rất cảm tình và cũng kỳ vọng, lo cho đồng chí, không biết đồng chí có làm được cái gì hay không? (vỗ tay) Đừng có ảo vọng rằng 5 năm có thể làm chuyển biến được giáo dục, mà theo tôi phải mất 12 năm. Ngày xưa, người ta học 12 năm là đã có thể trở thành người rồi. Còn bây giờ lấy xong cử nhân, lấy thêm thạc sĩ, tiến sĩ nhưng mà tiến sĩ bây giờ tôi cũng chưa tin. Học vị thì như vậy nhưng không biết "phần mềm" ổng như thế nào. Cho nên, mình làm cho đất nước mình nhỏ, làm cho cái nền giáo dục này nó lụi tàn. Tôi nói thật, tôi muốn đất nước Việt Nam phải lớn. Cho nên diễn đàn  của Báo Thanh Niên rất hay. Ai nói Singapore nhỏ; Mông Cổ rộng lớn, từng đem quân đi đánh khắp nơi, nhưng có ai nói họ lớn. Quy mô dân số, diện tích của Việt Nam, rồi lịch sử chống ngoại xâm cũng ngon. Nói chung "phần cứng" là rất ngon, chỉ có "phần mềm". Đừng hủy hoại làm cho đất nước mình nhỏ đi là tội lỗi với người đi trước và mắc cỡ với con cháu sau này".

Ông Hoàng Minh Châu

Còn ông Hoàng Minh Châu - Phó tổng giám đốc FPT đã đưa ra những dẫn chứng sinh động về con người Việt Nam "không hề nhỏ" so với các nước khác. Chẳng hạn hiện các công ty tin học của Singapore, Malaysia đều có quy mô nhỏ hơn Công ty FPT; các công ty tin học lớn nhất Trung Quốc số kỹ sư chỉ chiếm khoảng 1.000 người, trong khi ở Công ty FPT con số này là 6.000 người. Theo ông Châu, năm vừa qua Công ty FPT đã đạt doanh thu trên 500 triệu USD và năm nay là trên 800 triệu USD, công ty FPT đã nộp cho ngân sách hàng tỉ đồng. Vì vậy thay vì trả lời câu hỏi "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?”, Công ty FPT sẽ nỗ lực hơn nữa để đóng góp công sức vào sự phát triển của đất nước.

Ông Hoàng Minh Châu cũng mang đến buổi lễ những câu chuyện dí dỏm nhưng rất sâu sắc về vấn đề cạnh tranh của người Việt Nam với các nước khác. Ông Châu kể, khi ra thương trường quốc tế, công ty FPT đã gặp những thất bại hết sức nặng nề và ý tưởng giúp cho FPT thành công về chiến lược bắt đầu từ những người Việt đi lao động ở nước ngoài. Trên một chuyến bay, ông Châu hỏi những cô gái Việt đi phụ giúp việc nhà ở nước ngoài: "Làm công việc này tụi em có bị cạnh tranh không?". Một cô đáp: "Có chứ, nhưng tụi em có điểm mạnh là nấu ăn ngon hơn. Nhiều gia đình cho tụi em thôi việc, nhưng sau đó phải kêu lại vì những người làm Philippines biết nấu nhưng không biết nêm nếm".

Từ câu chuyện trên, ông Hoàng Minh Châu cho rằng, trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta cần phải phát huy tối đa những điểm mạnh nhất và hạn chế những mặt khiếm khuyết. Cũng theo ông Hoàng Minh Châu, trong sự cạnh tranh hiện nay thì có nhiều yếu tố khác có thể dẫn đến thành công. Ông Châu kể, có doanh nghiệp Nhật chuyển hợp đồng từ Ấn Độ sang Việt Nam vì "hợp tác với Ấn Độ 5 - 6 năm mà không thấy họ mời uống rượu, trong khi chưa ký hợp đồng với Việt Nam đã có rượu để uống". Điều đó cho thấy văn hóa cởi mở của người Việt đã hấp dẫn được cộng đồng thế giới.

Giáo sư sử học Dương Trung Quốc

Giáo sư sử học Dương Trung Quốc, người nổ "phát pháo" diễn đàn trên Thanh Niên lý giải quyết định gửi bài đến Báo Thanh Niên: "Vì sao tôi gửi bài cho Thanh Niên? Vì trong lịch sử, người trẻ luôn luôn là người gánh vác trọng trách đất nước... Chính vì suy nghĩ đó, tôi đã viết bài báo nhỏ và không nghĩ lại trở thành diễn đàn lớn thế này". Ngừng một chút để nén xúc động, giáo sư nói tiếp: "Nhưng đến giờ thì tôi lại không thấy lạ nữa. Vì ngay trong suy nghĩ của các bạn trẻ đã thể hiện sự trăn trở, mong muốn đất nước ngày càng phát triển hùng mạnh".

Như để minh chứng cho lời của giáo sư Dương Trung Quốc, một trong những tài năng trẻ của Việt Nam là sinh viên ưu tú Nguyễn Bảo Nguyên đã có cuộc trò truyện đầy bản lĩnh và thú vị trước các đại biểu. "Được đứng ở đây, tôi như được truyền thêm lửa và thêm quyết tâm. Hy vọng tôi sẽ làm được một việc gì đó cho đất nước" - Bảo Nguyên xúc động.

Nguyên cho biết, cuối tháng 8/2006 này em sẽ đến Mỹ để hoàn thành học vị tiến sĩ. "Mong muốn của tôi là tiếp tục đi đến nhiều nơi trên thế giới, học hỏi, tiếp thu kiến thức để sau đó quay trở về Việt Nam góp phần xây dựng đất nước. Trong các hồ sơ gửi đến các trường đại học, tôi luôn có một bài viết khẳng định sự tự tin của mình, nói những thế mạnh riêng của bản thân để nghiên cứu, sáng tạo... và khẳng định vì tôi là người Việt Nam nên tôi tiếp tục muốn được học để giúp sức cho đất nước. Tôi mong rằng sau này khi gặp người Việt Nam, bạn bè thế giới sẽ không chỉ biết đến Việt Nam vì "đánh giặc giỏi" mà còn khâm phục bởi tài năng và sự phát triển trong nhiều lĩnh vực khác" - Bảo Nguyên đã đại diện cho giới trẻ Việt Nam nói lên niềm khao khát.

Nguyễn Bảo Nguyên

Bảo Nguyên từng nhận được học bổng ASEAN để hoàn tất chương trình cử nhân tại đại học Quốc gia Singapore và đạt danh hiệu sinh viên ưu tú của trường này. Em cũng nhận được lời mời của 8 trường đại học danh tiếng của Mỹ để học đến tiến sĩ, trong đó có học bổng toàn phần 350.000 USD từ viện MIT danh tiếng...

GS Vũ Khiêu trong phát biểu cuối Hội nghị đã rất mừng vì thế hệ trẻ có những sinh viên ưu tú như Bảo Nguyên. "Nghe những lời phát biểu của cháu Bảo Nguyên, tôi cảm thấy rất vui mừng. Có một điều trùng hợp là cháu Nguyên và chị Bình (nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình) đều cùng quê Đà Nẵng, hình ảnh của Bảo Nguyên hôm nay như là hình ảnh của chị Bình trong quá khứ. Do vậy, tôi chỉ mong cháu Bảo Nguyên cũng như thế hệ trẻ hôm nay tiếp nối truyền thống như chị Bình và hơn chị Bình, có thể đảm nhận những trọng trách lớn lao của đất nước về sau này để đưa nước Việt Nam ta tiếp tục phát triển".

"Tôi chưa bao giờ dự một hội nghị mà đến giờ này (gần 12h trưa) mọi người vẫn nán lại, không ai ra về" - anh Nguyễn Công Khế, Tổng biên tập Báo Thanh Niên xúc động phát biểu bế mạc hội nghị và cho rằng tất cả những bài phát biểu trong hội nghị đều là "một bài tổng kết diễn đàn": "Khi chúng tôi mở diễn đàn này, đã có hàng vạn ý kiến gửi đến. Chúng tôi chọn đăng 200 bài và in thành sách là vì khuôn khổ trang báo có hạn. Nhưng tất cả những bài viết, ý kiến, kể cả không đăng chúng tôi cũng tập hợp lại gửi tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng chí lãnh đạo rất quan tâm đến những ý kiến này. Mới đây Chủ tịch nước nguyễn Minh Triết cũng đã đọc bản thảo cuốn sách và đã viết thư khen là diễn đàn tập hợp được nhiều ý kiến tâm huyết...".

Cuối cùng, anh Nguyễn Công Khế khẳng định như một sự đúc kết tâm huyết của những người tham gia diễn đàn: "Trước khi mở diễn đàn, tôi có đọc thông tin trên một tờ báo: "Việt Nam phải mất 197 năm nữa mới đuổi kịp Singapore". Đã là người Việt Nam không ai chấp nhận được điều này. Quá khứ chúng ta như vậy, hiện tại chúng ta như vậy, địa chính trị chúng ta như vậy. Đất nước chúng ta dứt khoát phải vươn lên, không phải mạnh ảo mà là mạnh thực. Mọi người dân Việt Nam chúng ta sẽ đoàn kết thương yêu, cùng siết chặt tay nhau để đi lên. Tôi nghĩ rằng nước Việt Nam sẽ lớn, sẽ mạnh".

Ngay sau bài phát biểu đầy tâm huyết của mình, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã nhận được một câu hỏi gián tiếp khá "hóc búa" qua phát biểu của tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng, một Việt kiều Nhật, về một thực trạng: "Trong khi đi tìm kiếm nhân tài, người Việt đang bỏ lỡ một nguồn nhân tài đáng quý là 3 triệu kiều bào sống khắp nơi trên thế giới, mà nguồn thu nhập của họ ngang ngửa với tổng số GDP của cả nước". Bộ trưởng Trương Đình Tuyển trả lời một cách rất tâm huyết: "Tư duy của những người Việt Nam sống trong nước, từ tầng lớp mang tính nhạy cảm cao nhất đến người dân bình thường là: người Việt Nam sống ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Điểm thứ hai là bất cứ một chính sách nào, dù hay đến bao nhiêu, muốn vào cuộc sống cũng phải có thời gian. Chúng tôi tin tưởng rằng, với tinh thần đổi mới, đặc biệt là tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ X, thì những chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với cộng đồng người VN ở nước ngoài sẽ được triển khai một cách hiệu quả.

Riêng Bộ chúng tôi cũng có được một đoàn đi khảo sát một số nước có đông người Việt sinh sống như Pháp, Mỹ, Canada. Anh em trong đoàn cũng đã trao đổi, thảo luận với bà con người Việt về cách thức mà bà con Việt kiều có thể đóng góp tốt nhất nguồn vốn và trí tuệ cho đất nước, thông qua con đường phát triển thương mại. Liên quan đến câu chuyện "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?", tôi vẫn day dứt một điểm: người Việt Nam ta có rất nhiều cái hay, nhưng bên cạnh đấy cũng có một số nhược điểm. Dân tộc nào cũng có nhiều cái hay và cũng có một số nhược điểm. Nhưng điều quan trọng là chúng ta tự ý thức được điều đó, để mà sửa chữa, mà vươn lên. Ví dụ như theo tôi, trong kháng chiến chống ngoại xâm, dân tộc Việt Nam ta sẽ trở thành một khối cố kết vững như sắt thép trước nguy cơ bị xâm chiếm. Nhưng trong đời sống bình thường, trong hoạt động bình thường, tính cố kết và tính cộng đồng của người Việt, kể cả người Việt sống ở nước ngoài, lại không được như thế... Chúng tôi rất mong chúng ta chú ý để khắc phục nhược điểm này".

Ông Nguyễn Trí Dũng (Việt kiều Nhật) đang đặt câu hỏi với Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển

Ngay khi Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân vừa dứt lời, giáo sư Trần Hữu Tá "chất vấn" Bộ trưởng liền 2 câu hỏi: "Chúng ta làm thế nào để đào tạo và đào tạo lại giáo viên cho hiệu quả?""Chủ trương chế độ đãi ngộ về vật chất và tinh thần cho các giáo viên nhất là các giáo viên vùng sâu vùng xa?". Dẫn chứng "cơ sở" 2 câu hỏi, giáo sư bức xúc trường hợp ông hiệu trưởng Trường CĐ phát thanh Truyền hình Trung ương I vừa qua trong biên bản giải trình với Bộ trưởng về vụ một giáo viên trong trường gạ nữ sinh đổi "tình" lấy "điểm", "ngay câu đầu tiên đã sai ngữ pháp"; rồi chuyện giáo viên một trường tiểu học ở Hà Tĩnh nhận tiền thưởng Tết chỉ 25.000 đồng, mua được chỉ 3 lạng thịt...

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân xin chia sẻ với giáo sư Tá về những bức xúc trong ngành giáo dục; đồng thời cho biết ngành giáo dục đã chủ trương và trình Chính phủ về đào tạo và đào tạo lại giáo viên. Trước mắt, từ nay đến cuối năm Bộ sẽ làm việc với tất cả các hiệu trưởng của các trường sư phạm trên cả nước  - nơi đào tạo ra nguồn lực giáo viên cho đất nước. Ở bậc đại học và cao đẳng, sắp tới cần rà soát lại, tham khảo ý kiến của sinh viên về môn học và chất lượng giảng dạy của giáo viên. Về chế độ đãi ngộ giáo viên, Bộ trưởng cho rằng trước mắt chưa thể nâng cao ngay nhưng vấn đề này sẽä phải được chấn chỉnh lại. Sắp tới, Bộ sẽ mở những trang web tiếp thu mọi ý kiến đóng góp về giáo dục, những trường hợp gặp khó khăn cụ thể, Bộ sẽ cử người xuống tận nơi xem xét, phối hợp cùng địa phương tìm biện pháp giải quyết.

GS Trần Hữu Tá “chất vấn” Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh D.Đ.Minh

Nhóm PV Chính trị - Xã hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.