Thực lực của Đảng bộ Nam Bộ còn thiếu và yếu, phải có cách gì để trong thời gian ngắn tập hợp đông đảo quần chúng dưới ngọn cờ cách mạng, nếu chậm trễ thì sẽ bỏ lỡ thời cơ. Bài toán hóc hiểm thật, song truyền thống của dân tộc ta nói chung, của nhân dân Nam Bộ nói riêng đã cho phép Đảng bộ Nam Bộ có một bước đi sáng tạo. Tức, dựa vào lực lượng nòng cốt, nhất là đường lối cách mạng dân tộc, hình thành một mặt trận liên kết mọi tầng lớp nhân dân, trước hết ở thành phố đầu não Sài Gòn và các tỉnh lỵ. Tổ chức Thanh niên Tiền phong (TNTP) ra đời theo yêu cầu ấy và trong bối cảnh ấy. Nó là vỏ bọc thật dày của lực lượng cách mạng trung kiên và là một trung tâm tiến công địch, các lực lượng chống cách mạng.
Cần nói rõ một điều: tuy tên là TNTP nhưng tham gia vào tổ chức không chỉ có thanh niên. Thực sự, đó là một Mặt trận đoàn kết rộng rãi những người yêu nước, gồm đủ lứa tuổi, đủ giới, không phân biệt vị trí xã hội hay tín ngưỡng. TNTP đã làm được một việc hết sức quan trọng là đoàn ngũ hóa nhân dân, tập luyện cho mọi người ý thức tập thể và thống nhất hành động. Ở Sài Gòn và nhiều địa phương, đặc trưng của thời kỳ này là TNTP mặc đồng phục, vác tầm vông, hàng ngũ chỉnh tề, bước rập ràng theo tiếng đếm một, hai và theo tiếng còi của chỉ huy. Ngày, đêm, các vùng đều sống với không khí như vậy. Đường phố lúc nào cũng nhộn nhịp bước chân của TNTP trong hai bài hát rất phổ biến là Lên đàng và Tiếng gọi thanh niên. Có những đêm diễn kịch quy mô lớn ở nhà hát, hoặc các cuộc cắm trại ở ngoại thành, có những cuộc hội thảo quần chúng tại các trường, các trụ sở nghiệp đoàn, các công sở.
Khi Hà Nội tổng khởi nghĩa thành công, tiếp đến Huế thì đương nhiên Sài Gòn phải tổng khởi nghĩa. Có một sự trì hoãn ngắn, nhưng không quyết định, bởi cuối cùng rồi, chính xu thế cách mạng cả nước thúc đẩy Nam Bộ hành động. Vả lại, trong cuộc tranh chấp giữa lực lượng quần chúng cách mạng do Đảng lãnh đạo và các lực lượng khác do Nhật, Pháp yểm trợ - các lực lượng này đều sẵn sàng và cũng chờ "ngọn gió đông", với họ, hoặc Cường Để về nước, hoặc đồng minh sớm đổ bộ - thì ai nhanh tay hơn, ai mạnh hơn, sẽ là người chiến thắng. Cuộc chạy đua nước rút diễn ra trong vài tháng, bắt đầu từ sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9.3 và sắc lại, trong những ngày tháng tám 1945. Các diễn tiến đã được biên niên sử ghi rõ: Cuộc Tổng khởi nghĩa đêm 24.8.1945 đã thành công ở Sài Gòn, nơi tiêu biểu cho Nam Bộ, và thậm chí có nơi thực hiện cuộc tổng khởi nghĩa thành công trước cả Sài Gòn, trên phạm vi toàn Nam Bộ.
Điều đáng ghi nhận ở đây là nghệ thuật lãnh đạo, công lao của các đồng chí sáng tạo ra hình thức tập hợp quần chúng cực kỳ mạnh mẽ ấy.
Tất nhiên, khi cuộc Tổng khởi nghĩa chuyển sang Nam Bộ kháng chiến, TNTP không thể đóng vai trò chủ lực trước một tranh chấp mới trên chiến trường mà yếu tố quyết định là lực lượng có tổ chức, có kỹ năng chiến đấu vũ trang, tuân theo một sự chỉ huy thống nhất, chặt chẽ, kỷ luật. Và, TNTP trong bối cảnh mới tất yếu có sự phân hóa. Tuy nhiên, những con người trung kiên đứng dưới cờ TNTP vào thời tổng khởi nghĩa vẫn tiếp tục đoạn đường đã chọn và trong số họ, không ít những nhân vật đã thành danh. Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá TNTP đúng thực chất. Khi chính quyền lâm thời đầu tiên của nước Việt Nam thành lập ngày 23.8.1945 - tức, cuộc Tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn chưa diễn ra - thủ lĩnh TNTP Phạm Ngọc Thạch được giao trách nhiệm là thành viên của Chính phủ, Bộ trưởng Y tế.
60 năm trước, Sài Gòn, vào đêm 24, đã vùng lên giành chính quyền qua cuộc tổng khởi nghĩa. Ghi nhớ ngày trọng đại ấy không thể không tôn vinh TNTP, đồng nghĩa với tôn vinh sự năng động, sáng tạo của người Sài Gòn và Nam Bộ...
8.2005
Trần Bạch Đằng
Bình luận (0)