“Chúng tôi tưởng nhớ những người đã chết trong cuộc diệt chủng người Armenia thời Đế quốc Ottoman và tái cam kết ngăn chặn hành động tàn bạo này tái diễn. Chúng tôi xác nhận lịch sử. Chúng tôi không đổ lỗi mà chỉ nhằm đảm bảo điều đã xảy ra không bao giờ lặp lại”, Tổng thống Joe Biden nói trong tuyên bố ngày 24.4, nhân kỷ niệm 106 năm từ sự kiện thảm sát.
Hành động này được coi là chỉ mang tính biểu tượng nhưng đã phá vỡ những tính toán thận trọng của các tổng thống Mỹ trong hàng chục năm qua về vụ thảm sát người Armenia.
Quyết định được đưa ra sau khi Tổng thống Biden điện đàm lần đầu tiên với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào ngày 23.4 trong bối cảnh mối quan hệ hai nước đồng minh NATO đã bất đồng sâu sắc về nhiều vấn đề trong vài năm qua.
Đến nay, Armenia khẳng định có tới 1,5 triệu người bị giết tại lãnh thổ của Đế chế Ottoman trong giai đoạn 1915 - 1917 và xem đây là một cuộc diệt chủng. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là quốc gia kế thừa trực tiếp của Đế chế Ottoman, cho rằng có 500.000 người Armenia thiệt mạng, đồng thời cho rằng cũng có nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ chết trong giai đoạn chiến tranh và hỗn loạn năm xưa, nên cương quyết không dùng từ “diệt chủng”.
|
Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ nói rằng quyết định của Tổng thống Biden nhằm tưởng nhớ các nạn nhân chứ không nhằm quy trách nhiệm cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố bác bỏ hoàn toàn việc công nhận của Tổng thống Biden và gọi đây là hành động dân túy.
Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Ankara David Satterfield để lên án mạnh mẽ nhất về hành động của Mỹ, cho rằng điều đó gây “vết thương sâu” cho mối quan hệ song phương.
Trong khi đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan gửi thư cảm ơn và hoan nghênh quyết định công nhận vụ thảm sát là hành động diệt chủng của Tổng thống Biden. “Việc công nhận là hình mẫu động viên cho tất cả những người muốn xây dựng một xã hội quốc tế hợp lẽ phải và khoan dung”, ông Pashinyan nói.
Bình luận (0)