Tổng thống Biden sẽ tới New Delhi (Ấn Độ) từ ngày 7-10.9 để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20. Tại hội nghị, Tổng thống Biden và các đối tác G20 dự kiến thảo luận về một loạt nỗ lực chung nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu, bao gồm chuyển đổi năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động kinh tế và xã hội từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Cũng tại hội nghị G20, Tổng thống Biden dự kiến bàn về việc tăng cường năng lực của các ngân hàng phát triển đa phương, trong đó có Ngân hàng Thế giới, để chống đói nghèo tốt hơn, theo thông báo được đăng trên trang web của Nhà Trắng.
Ngoài ra, từ ngày 4-7.9, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ tới Jakarta (Indonesia) để tham dự Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á, và gặp gỡ các nhà lãnh đạo từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Phó tổng thống Harris và các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ xem xét sự mở rộng chưa từng có trong quan hệ Mỹ - ASEAN và bà sẽ tái khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ đối với Đông Nam Á và vai trò trung tâm của ASEAN, theo thông báo của Nhà Trắng.
Trong các hội nghị nói trên và các cam kết bổ sung của mình, Phó tổng thống Harris sẽ thúc đẩy các sáng kiến nhằm đẩy mạnh sự thịnh vượng và an ninh chung, bằng cách thúc đẩy công việc của các bên liên quan về khủng hoảng khí hậu, an ninh hàng hải, cơ sở hạ tầng, tăng trưởng kinh tế, nỗ lực duy trì và củng cố các quy tắc và chuẩn mực quốc tế trong khu vực.
Khi được hỏi về suy đoán rằng sự vắng mặt của ông Biden tại hội nghị ASEAN sẽ đặt ra câu hỏi về cam kết của Mỹ đối với một khu vực đang phải đối mặt với ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 22.8 lập luận rằng sự tham gia của Mỹ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã được thể hiện rõ ràng kể từ năm 2021, theo Reuters.
Bình luận (0)