Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 5.10 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiện đại hóa trang thiết bị quân sự, nhưng cảnh báo rằng bất cứ khoản nào cũng cần chi tiêu khôn ngoan vì ngân sách nước này có hạn.
Quốc gia với 270 triệu dân và là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đang tìm cách hiện đại hóa quân đội, trong bối cảnh nhiều loại vũ khí, trang thiết bị được cho là đã cũ.
"Việc chi tiêu cho trang thiết bị quân sự phải được tính toán khôn ngoan về mặt số lượng cũng như phân bổ", Reuters dẫn lời ông Widodo phát biểu tại một cuộc diễu hành của lực lượng vũ trang.
Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto đã dẫn đầu nỗ lực mua sắm trong thời gian gần đây, bao gồm 42 chiếc tiêm kích Rafale của hãng Dasault (Pháp) trị giá 8,1 tỉ USD.
Ngoài ra, Indonesia còn mua 12 máy bay không người lái (UAV) mới của Công ty Công nghiệp hàng không Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 300 triệu USD.
Hồi tháng 7, ông Subianto đến Mỹ chứng kiến lễ ký kết bản ghi nhớ về việc mua 24 chiếc tiêm kích F-15EX của Boeing.
Vào tháng 6, Bộ Quốc phòng Indonesia xác nhận việc mua 12 chiếc tiêm kích Mirage 2000-5 đã qua sử dụng ở Qatar, đồng thời cho rằng thương vụ gần 800 triệu USD là cách nâng cấp nhanh lực lượng không quân.
Vì sao Indonesia khẩn cấp mua 12 chiếc tiêm kích Mirage 2000-5?
Ông Subianto nhiều khả năng sẽ là ứng viên tổng thống nhằm thay thế ông Widodo sẽ mãn nhiệm vào năm tới.
Tổng thống Widodo hồi tháng 7 từng cảnh báo nội các cần duy trì ngân sách "lành mạnh", đồng thời lưu ý về những khoản chi lớn của các cơ quan an ninh, trong đó có bộ quốc phòng.
Trong thập niên qua, mức chi tiêu quốc phòng tính trên đầu người và trên GDP của Indonesia ở mức thấp nhất trong số 6 nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI-Thụy Điển).
Bình luận (0)