Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino hôm 21.12 tuyên bố sẽ đẩy mạnh chi tiêu quân sự trước khi về hưu, nhằm đối phó việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông.
Tổng thống Philippines cam kết chi 1,77 tỉ USD trang bị cho quân đội đến năm 2017 trước khi ông hết nhiệm kỳ - Ảnh: Reuters |
Ông Aquino, người sẽ hết nhiệm kỳ vào năm 2016 và không có quyền tranh cử theo hiến pháp Philippines, nói rằng sẽ dành thời gian còn lại để cam kết đầu tư cho quốc phòng.
“Chúng tôi đang lập kế hoạch mua các tàu hộ tống mới, tàu vận tải, tàu tuần tra tầm xa, máy bay hỗ trợ tầm gần và một số thiết bị quân sự khác”, Reuters dẫn lời Tổng thống Aquino tại lễ kỷ niệm 80 năm thành lập lực lượng vũ trang.
Theo đó, ông Aquino cam kết chi 1,77 tỉ USD (83,9 tỉ peso) để tăng cường quân sự. Khoản tiền này được chi trong kế hoạch chi tiêu 5 năm tính tới năm 2017 nhưng chỉ vừa được duyệt hồi đầu năm nay, nghĩa là phần lớn sẽ được dùng trong những tháng tới.
Tổng thống Philippines cho rằng các khí tài này sẽ giúp Philippines bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.
“Tôi đang chứng kiến cách quân đội lớn mạnh hơn và hiệu quả hơn trong việc gìn giữ và duy trì hòa bình, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự tự tin cho Philippines”, ông Aquino nói thêm.
Hiện một nhà máy ở Indonesia đang đóng tàu vận tải đổ bộ cho Philippines và dự kiến sẽ giao hàng vào đầu năm 2016. Trong khi đó hệ thống radar do Israel sản xuất cũng sẽ chuyển đến Philippines năm 2017, cùng lúc với việc Philippines nhận đủ các máy bay chiến đấu FA-50 mua từ Hàn Quốc (12 chiếc), theo Reuters.
Ông Aquino cũng nói rằng chính phủ đã dành khoảng 1,26 tỉ USD (56,79 tỉ peso) để mua một phi đội máy bay chiến đấu hạng nhẹ (FA-50) từ Hàn Quốc cũng như trực thăng quân sự của Ý từ năm 2010. Mỹ cũng đã chuyển giao hai tàu tuần duyên cũ và máy bay vận tải cho Philippines.
Trước đây Philippines đã có kế hoạch chi 22 tỉ USD trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội trong vòng 15 năm, dự tính sắm tàu hộ tống, tàu ngầm, hệ thống tên lửa, radar...
Philippines vừa qua đã kiện Trung Quốc tại Toà trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan) vì yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của Bắc Kinh nuốt trọn gần hết Biển Đông. Tuy nhiên, phía Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào từ các tòa án quốc tế.
Bình luận (0)