Tốt nghiệp đại học ngành dược sĩ nhưng về quê làm nghề tranh kiếng truyền thống

22/07/2024 16:24 GMT+7

Tốt nghiệp đại học ngành dược nhưng anh Trần Xuân Duy (30 tuổi, ngụ xã Mỹ Lệ H.Cần Đước, Long An) quyết định về quê nối nghiệp cha giữ nghề làm tranh kiếng truyền thống và phụ mẹ bán thuốc tây.

Nuôi dưỡng đam mê nghề truyền thống

Cha của anh Duy là nghệ nhân Trần Văn Nhanh (66 tuổi), có gần 40 năm gắn bó với nghề làm tranh kiếng. Vì vậy, từ hồi tiểu học, sau giờ học, anh thường phụ cha những việc nhỏ như: tô viền trắng, tô các vị trí một màu… trên tranh. Càng lớn, anh càng yêu nghề của cha nên chịu khó học hỏi và nắm gần hết các công đoạn cơ bản để làm tranh kiếng.

Tốt nghiệp đại học ngành dược sĩ nhưng về quê làm nghề tranh kiếng truyền thống- Ảnh 1.

Anh Duy (hàng đầu, thứ 3 từ trái qua) bên bức tranh kiếng do cha và anh làm

DUY TÂN

Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Duy chọn học ngành dược tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM). Ra trường, anh quyết định về quê cùng với cha giữ nghề tranh kiếng truyền thống; đồng thời phụ mẹ bán thuốc tây tại nhà thuốc của gia đình.

Anh Duy cho biết mỗi bức tranh kiếng là một câu chuyện, thể hiện nét văn hóa và giá trị tinh thần của người dân Nam bộ, bao gồm nhiều chủ đề như: tranh cảnh, tranh cửa buồng, tranh thờ cửu huyền, ông địa, tứ quý, tứ thời…

Tốt nghiệp đại học ngành dược sĩ nhưng về quê làm nghề tranh kiếng truyền thống- Ảnh 2.

Anh Duy (bìa phải) giới thiệu dòng tranh kiếng của gia đình

DUY TÂN

"Hơn 1 thế kỷ phát triển, tranh kiếng đã hình thành nhiều dòng nổi tiếng như Chợ Lớn, Lái Thiêu, Gò Công, Mỹ Tho, Bà Vệ… Riêng tranh kiếng của gia đình tôi có sự ảnh hưởng từ tranh Chợ Lớn, Lái Thiêu, Gò Công. Tranh kiếng Gò Công chuyên về tranh chữ, trên tranh có cẩn ốc xà cừ; tranh kiếng Chợ Lớn chuyên về tranh cảnh. Cha tôi tiếp thu điểm mạnh của các dòng tranh nơi khác nên tranh cảnh vẫn có cẩn ốc xà cừ, dùng nhũ đồng giống như tranh Lái Thiêu, Chợ Lớn...", anh Duy cho biết.

Tốt nghiệp đại học ngành dược sĩ nhưng về quê làm nghề tranh kiếng truyền thống- Ảnh 3.

Dòng tranh kiếng vẽ phong cảnh do hai cha con anh Duy thực hiện được nhiều gia đình miền Tây ưa chuộng

DUY TÂN

Nghề vẽ tranh kiếng đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và cẩn thận cao độ để bức tranh thành phẩm có hồn. Do tranh kiếng vẽ ngược, vẽ mặt sau của tấm kiếng nên người vẽ phải thật sự tập trung, chỉ cần sai một đường nét, sơn khô là phải bỏ vì không thể chỉnh sửa được.

Tốt nghiệp đại học ngành dược sĩ nhưng về quê làm nghề tranh kiếng truyền thống- Ảnh 4.

Tranh kiếng chủ đề tranh Đông Hồ vẽ theo yêu cầu khách

DUY TÂN

Một bức tranh kiếng hoàn chỉnh phải qua nhiều công đoạn hoàn toàn thủ công như: chọn kiếng, đi nét đen, tô màu chi tiết, phơi nắng, cẩn ốc, kim tuyến, đóng khung. "Tranh kiếng khó nhất là khi vẽ sai phải sửa lập tức khi nước sơn còn ước, nếu đã khô thì phải bỏ đi vì không thể nào sửa được do hình vẽ nằm phía sau mặt kiếng. Ngoài ra, công đoạn loang màu trời mây này nọ cũng rất khó, đến giờ tôi vẫn đang học", anh Duy cho biết.

Tốt nghiệp đại học ngành dược sĩ nhưng về quê làm nghề tranh kiếng truyền thống- Ảnh 5.

Tranh kiếng vẽ các vị tiên

DUY TÂN

Phục dựng tranh gương Huế

Hiện nay, do cạnh tranh với nhiều dòng tranh sản xuất từ công nghệ kỹ thuật cao nên tranh kiếng còn thịnh hành. Điều may mắn là nhiều gia đình ở miền Tây vẫn giữ phong tục treo tranh kiếng, thờ cửu huyền… nên gia đình anh Duy vẫn có lượng khách quen nhất định.

Tốt nghiệp đại học ngành dược sĩ nhưng về quê làm nghề tranh kiếng truyền thống- Ảnh 6.

Tranh kiếng dạy trai hiền

DUY TÂN

Mỗi tháng, anh và cha hoàn thiện từ 4 - 5 bộ tranh khổ lớn, tranh thờ cửu huyền. Tùy theo nội dung và kích cỡ, giá khoảng vài triệu đồng mỗi bộ. Nhờ đó, gia đình anh Duy vẫn sống được với nghề.

Tốt nghiệp đại học ngành dược sĩ nhưng về quê làm nghề tranh kiếng truyền thống- Ảnh 7.

Tranh kiếng dạy dâu thảo

DUY TÂN

Anh Duy cho biết với sự hỗ trợ của anh, anh đang cùng những người bạn chung niềm đam mê thực hiện dự án phục dựng tranh gương Huế - một trong những dòng tranh gương đầu tiên Việt Nam. Bức tranh vừa được anh phục dựng thành công là bức "Sơn tủng tùng đình", được treo tại điện Cần Chánh năm xưa.

Tốt nghiệp đại học ngành dược sĩ nhưng về quê làm nghề tranh kiếng truyền thống- Ảnh 8.

Tranh gương Huế “Sơn tủng tùng đình” được anh Duy cùng với cha phục dựng

DUY TÂN

"Với dự án này, nhóm của tôi sẽ phân công người ra Huế chụp và vẽ lại những chi tiết nhỏ nhất để về phục dựng lại. Hiện tại, nhóm đã phục dựng được 1 bức tranh Sơn tủng tùng đình; còn vài bức nữa có thể khoảng 1 năm nữa mới hoàn thiện. Nghề dược do tôi lựa chọn. Nghề làm tranh kiếng tuy cha không truyền lại nhưng tôi mong muốn giữ gìn vì đó là nét đẹp của văn hóa truyền thống ", anh Duy chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.