TP biển Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị biển tầm cỡ quốc tế

17/03/2021 16:32 GMT+7

Đó là kỳ vọng, là đòn bẩy của chính quyền và người dân trước điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển đô thị nén, nâng cao hệ số sử dụng đất

Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển đô thị nén, nâng cao hệ số sử dụng đất

Ảnh: Hoàng Sơn

Theo đồ án, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo, bản sắc, bền vững, là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics… Đà Nẵng cũng được định hướng xây dựng thành đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống…

Phát triển đa cực

Theo quyết định, mô hình và cấu trúc phát triển không gian Đà Nẵng được gắn với cảnh quan đặc trưng theo 3 vùng đô thị, gồm: vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi và 1 vùng sinh thái, gồm khu vực rừng, núi, đồi phía tây và phía bắc, khu du lịch quốc gia Sơn Trà và H.Hoàng Sa, các sông và hồ cùng với đường bờ biển trong vùng sinh thái. Đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Đà Nẵng sẽ hình thành 2 vành đai kinh tế gồm: vành đai phía bắc là vành đai “Công nghiệp công nghệ cao và cảng biển – logistics”; vành đai phía nam là vành đai “Đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Đà Nẵng sẽ điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm (Thanh Khê và Hải Châu) thành phát triển đa cực, bổ sung 4 cụm việc làm ưu tiên tập trung, gồm cụm công nghiệp công nghệ cao, cụm cảng biển và logistics, cụm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và cụm đổi mới sáng tạo. Đồ án cũng xác định phát triển du lịch trên toàn TP với trọng tâm ven bờ đông (ven biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn) và vịnh Đà Nẵng với các đặc điểm mặt nước tự nhiên, di sản văn hóa và dịch vụ du lịch đường thủy; du lịch sinh thái khu vực đồi núi phía tây, phía bắc và bán đảo Sơn Trà để tận dụng cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Theo quy hoạch, TP sẽ định hướng phát triển không gian theo 12 phân khu, trong đó có thể kể đến các phân khu ven sông Hàn và bờ đông, phân khu ven vịnh Đà Nẵng, phân khu cảng biển Liên Chiểu, phân khu trung tâm lõi xanh… Khu đô thị hiện hữu sẽ được tái phát triển các khu đô thị theo mô hình đô thị nén, nâng cao hệ số sử dụng đất, bổ sung các tiện ích đô thị và tích hợp với hệ thống giao thông công cộng. Đối với khu vực phát triển mới, sẽ hình thành khu vực có chức năng chuyên biệt. Đà Nẵng đặt mục tiêu hướng đến nhu cầu của người dân khi hình thành các khu đô thị, tổ chức các khu đô thị thành các đơn vị ở có dân số từ 18.000 – 20.000 người (trên cơ sở các nhóm nhà ở từ 1.400 – 2.100 người) đáp ứng cơ bản hệ thống cơ sở dịch vụ, công trình phúc lợi xã hội, thiết chế văn hóa cơ sở…

Thúc đẩy các dự án

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua 16.3, ông Phùng Phú Phong, Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, nhận định với quy hoạch được điều chỉnh, Đà Nẵng sẽ phát triển theo một khung thiết kế đô thị tổng thể. Hình ảnh của TP trong tương lai được thể hiện rõ qua phương pháp tổ chức không gian. TP cũng sẽ tạo ra nhiều không gian mở bằng cách nâng cấp, cải tạo các quảng trường hiện hữu, xây dựng quảng trường mới gắn với công viên, hồ nước… Đà Nẵng định hướng phát triển đô thị nén để tập trung cho không gian công cộng, cùng với đó sẽ giải phóng các khu dân cư thấp tầng, kiệt hẻm, thiếu điều kiện sinh hoạt tối thiểu, không đảm bảo an toàn…

Ông Phong cho biết, sau quy hoạch chung, TP sẽ có nhiều việc phải làm, như triển khai xây dựng 12 phân khu, chương trình phát triển đô thị, phát triển nhà ở, quy hoạch hạ tầng… Song song đó là triển khai quy hoạch tĩnh. “Chúng tôi đã có kế hoạch cụ thể để báo cáo UBND TP. Hiện UBND TP đang xem xét để chỉ đạo các ngành cùng thực hiện”, ông nói.

Cũng theo ông Phong, đồ án quy hoạch kèm theo quy định quản lý đã được xây dựng xong với hàng loạt công việc, như thiết kế đô thị trung tâm, thiết kế đô thị ven biển... Sở Xây dựng sẽ rà soát các quy định cũ sao cho phù hợp và sẽ có những quy chuẩn mới. “Chúng tôi sẽ tham mưu TP quy định về quản lý kiến trúc. Cơ bản là phải triển khai sớm đồ án quy hoạch chung vì có liên quan đến những dự án phát triển kinh tế của TP. Trình tự từng bước sau khi UBND TP phê duyệt sẽ công bố cho dư luận được biết”, ông Phong nói thêm.

Theo Điều chỉnh quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt (do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15.3), Đà Nẵng là đô thị loại 1 trực thuộc T.Ư, trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia… Dự báo đến năm 2030, dân số Đà Nẵng khoảng 1,79 triệu người, đến năm 2045 khoảng 2,56 triệu người. Diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 31.836 ha, đến năm 2045 khoảng 35.054 ha. Về định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội, quy hoạch chung xác định Trung tâm hành chính TP tại Q.Hải Châu, quy mô diện tích đất khoảng 1,1 ha; bổ sung các chức năng hành chính khác, một số sở, ban, ngành phân tán về các khu vực và tiếp tục cải tạo, nâng cấp hệ thống trung tâm hành chính, cơ quan cấp quận, huyện (quy mô khoảng 27 ha). Trong đó UBND H.Hoàng Sa là đơn vị hành chính đặc thù.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.