Càng làm càng lỗ
Ông Phạm Văn Minh, nông dân trồng lúa tại ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi (TP.HCM), cho biết đang canh tác trên diện tích đất 32 ha, nhưng trong đó đất của ông chỉ có 5 ha, còn 27 ha là của người khác mua nhưng không sản xuất nên ông Minh thuê lại để làm.
Nhiều diện tích đất trồng lúa tại H.Củ Chi (TP.HCM) đang bị bỏ hoang |
Đình Sơn |
“Việc trồng lúa ở TP.HCM không có lợi thế gì, kể cả chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng không. Đơn cử, ở đây không có nước tưới, muốn tưới phải bơm mà chạy điện 24/7 thì không chịu nổi chi phí. Tôi bỏ công bỏ sức làm đường ống dẫn nước để canh tác trên diện tích đất này thì cũng phải làm đủ các thủ tục rất rắc rối, làm xong thì lỡ hết mất một vụ”, ông Minh chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Chiến, cũng làm nông ở H.Củ Chi, nói: “Đất trồng lúa ở TP.HCM nói chung không có lợi thế sản xuất so với các địa phương khác do diện tích nhỏ, manh mún nên năng suất thấp. Người ta đã dùng đến máy bay để phun thuốc trong khi nông dân thành phố không áp dụng được, phải đi phun thuốc bằng thủ công. Hiện nay, thu nhập của người trồng lúa chỉ khoảng 20 - 30 triệu đồng/ha. Ở ngay đô thị lớn nhất cả nước nhưng thu nhập người dân trồng lúa rất thấp, có thể nói là thấp nhất trong số những nông dân trồng lúa”.
Bên cạnh đó, khảo sát của chúng tôi tại nhiều vùng trồng lúa ở H.Củ Chi mới đây cho thấy diện tích trồng lúa nhiều nơi bị bỏ hoang, rào chắn và không sản xuất.
Cần giảm chỉ tiêu đất trồng lúa, cân đối lại chỉ tiêu để phù hợp thực tế và các huyện dễ thở hơn.
Ông Trà Ngọc Phong (Phó trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở NN-PTNT TP.HCM)
Trao đổi với Thanh Niên, TS Đào Minh Sô, Trưởng bộ môn Cây lương thực (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam), cho biết: “Đất trồng lúa tại TP.HCM được quy hoạch rất nhiều nhưng về chính sách hỗ trợ cho nông dân trồng lúa thì hầu như không có gì. Trong buổi làm việc với lãnh đạo Sở NN-PTNT TP.HCM, tôi cũng nêu lên thực trạng này. Nếu đã quy hoạch trồng lúa thì phải đi kèm chính sách hỗ trợ, chứ không thể để nông dân tự bơi.
Ví dụ như cơ sở hạ tầng sản xuất tưới tiêu, hệ thống sơ chế sau thu hoạch… đều không có. Người trồng lúa tại TP.HCM đến lúc thu hoạch thì bán cho thương lái, họ phải mang đến Tây Ninh hoặc Long An để xay xát, do đó giá lúa tại TP.HCM có thể nói là rất thấp. Hiệu quả kinh tế thấp thì đương nhiên họ phân lô ra bán hoặc bỏ hoang không sản xuất và làm nghề khác mưu sinh là điều dễ hiểu”.
Ông Phạm Văn Hoàng, Trưởng ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, trăn trở: “Tôi làm nghề trồng lúa này từ cha truyền con nối bao đời nay, nhưng đến hiện tại thì người nông dân xã Trung Lập Thượng nói riêng và H.Củ Chi nói chung không còn tha thiết với nghề trồng lúa vì không còn mang lại hiệu quả kinh tế. Càng sản xuất thì càng lỗ, vụ nào may mắn thì hòa vốn. Sản xuất lúa là một chuỗi khép kín từ trồng trọt, thu hoạch, sấy, xay xát… nhưng tại TP.HCM chỉ đơn thuần là làm ra hạt lúa và… đứt đoạn. Các tỉnh khác làm được năng suất 5 - 6 tấn/ha, nhưng tại TP.HCM chỉ làm được hơn 3 tấn/ha. Cứ đà này thì thời gian tới nông dân Củ Chi không còn làm lúa 2 vụ, 3 vụ/năm nữa mà chỉ còn làm 1 vụ hoặc… nghỉ luôn”.
Quận nội thành vẫn có đất lúa
Thống kê từ UBND TP.HCM cho thấy trong tổng số 209.539 ha diện tích tự nhiên của TP có 114.875 ha (chiếm 53,39%) nhóm đất nông nghiệp, 96.634 ha (46,12%) nhóm đất phi nông nghiệp và 1.031 ha (0,49%) nhóm đất chưa sử dụng.
Làm việc với Thành ủy TP.HCM mới đây, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đánh giá tỷ lệ đất nông nghiệp của TP.HCM hiện chiếm 53,39% là quá lớn, đồng thời đề nghị cần tính toán phương án sử dụng đất nông nghiệp sử dụng đa mục đích, tăng hiệu quả đất đai và giúp người sử dụng đất khai thác hợp lý hơn. Nhiều chuyên gia cũng nhận định diện tích đất nông nghiệp TP.HCM đang giữ lại quá lớn và không hiệu quả khi phần lớn đang bỏ hoang.
Tại Hội nghị đối thoại kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) do Sở TN-MT TP.HCM tổ chức, ông Trà Ngọc Phong, Phó trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở NN-PTNT TP.HCM, cho biết Chính phủ vừa phân bổ cho TP.HCM đất chuyên trồng lúa hơn 9.000 ha nhưng bố trí đất lúa cho các huyện không đúng với thực tế. Đơn cử kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 của Q.Bình Thạnh vẫn còn đất lúa là không phù hợp bởi đây là quận nội thành, không thể trồng lúa được.
Hiện chỉ còn H.Củ Chi và một số ít ở H.Bình Chánh, H.Hóc Môn trồng lúa. Tuy nhiên, H.Hóc Môn với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh thì diện tích cũng giảm rất nhiều. “Do vậy, cần giảm chỉ tiêu đất trồng lúa, cân đối lại chỉ tiêu để phù hợp thực tế và các huyện dễ thở hơn”, vị này đề xuất.
Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng TN-MT H.Bình Chánh, cho rằng dự kiến phân bổ đất chuyên trồng lúa nước cho huyện là 2.700 ha, hơn gấp đôi kế hoạch sử dụng đất kỳ trước. Thế nhưng hiện nay người dân rất bức xúc vì trồng lúa nước không hiệu quả. Người dân ở xã Tân Nhựt còn đề nghị thu hẹp hoặc bỏ luôn quy hoạch trồng lúa nước trên địa bàn. Theo bà Thảo, dù được phân bổ diện tích đất trồng lúa nhiều nhưng thực tế địa phương không có hệ thống tưới tiêu, triển khai không hiệu quả, trong khi H.Bình Chánh đã có hơn 1.200 ha đất ở nông thôn. “Điều này gây khó cho địa phương, đặc biệt là việc chuyển mục đích sử dụng đất của các hộ gia đình để xây nhà ở riêng lẻ”, bà Thảo nói.
Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT TP.HCM) cho thấy diện tích canh tác lúa qua mỗi vụ lại càng giảm.
Vụ mùa 2022 đến nay đã xuống giống 4.777 ha, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước gần 1.000 ha, trong đó: Củ Chi 2.690 ha, Bình Chánh 1.540 ha, Hóc Môn 322 ha, Cần Giờ 90 ha, Bình Tân 70 ha, Thủ Đức 63 ha, Nhà Bè 2 ha… Do tình hình giá cả xuống thấp, sản xuất không có hiệu quả nên người trồng ít quan tâm chăm sóc, dẫn đến tình trạng sâu bệnh gia tăng. Cụ thể, tổng diện tích nhiễm sinh vật hại trên lúa trong vụ mùa hiện nay là 795,6 ha, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước là 471,9 ha.
Lãnh đạo các huyện như Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè cũng cho rằng dù là cấp huyện nhưng đặc thù ở TP.HCM là tốc độ đô thị hóa nhanh. Diện tích đất nông nghiệp tại địa phương đa số không thể sản xuất được do không còn hệ thống kênh mương để cung cấp nước tưới tiêu. Việc sản xuất nông nghiệp cũng không mang lại hiệu quả kinh tế nên nông dân bỏ hoang đất để đi làm dịch vụ.
Thực tế, phần lớn quỹ đất nông nghiệp tại TP.Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi đã nhiều năm không thể canh tác bởi tác động của đô thị hóa, ô nhiễm nguồn nước. Trong khi đó, việc xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp đô thị công nghệ cao (nhà lưới, nhà màng, nhà kho, chuồng trại...) cũng gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định. Hiện TP mới cho thí điểm xây dựng các công trình tạm trên đất nông nghiệp nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp tại huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè. Nhưng quy hoạch một quỹ đất nông nghiệp lớn mà không sản xuất chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn phân lô bán nền trái phép mà hệ quả không nhỏ.
Bình luận (0)