TP.HCM: Đào 100 km đường trong năm 2009

25/03/2009 23:19 GMT+7

Đó là số liệu mới nhất do Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM tổng hợp, lớn gấp đôi con số nêu ra trước đó và vượt xa số km đường đã đào trong năm 2008.

Đào gấp 2,5 lần năm ngoái

Cuối năm 2008, Sở GTVT khẳng định sẽ tiến hành đào khoảng 56 km đường trong năm 2009. Sau đó, trong chương trình đối thoại "Nói và làm" do HĐND TP tổ chức ngày 1.3, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng đã "đính chính" rằng sẽ đào đến 75 km đường chứ không phải 56 km. Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất của Sở GTVT, thì số km đào đường thực sự lên đến 100 km, nhiều gấp 2,5 lần năm ngoái (khoảng 40 km).

Vì sao lại đào đường nhiều đến vậy? Theo Sở GTVT, chỉ riêng 3 dự án lớn sử dụng vốn ODA (Vệ sinh môi trường, Cải thiện môi trường nước và Nâng cấp đô thị) đã phải đào khoảng 50 km đường trong năm nay. Trong đó, dự án Vệ sinh môi trường vẫn tiếp tục "vô địch" về đào đường với hơn 31 km, 150 "lô cốt" đã và sẽ tiếp tục được dựng lên trên 52 tuyến đường. Dự án Cải thiện môi trường nước sẽ đào 6 km với 38 "lô cốt" trên 16 tuyến đường. Dự án Nâng cấp đô thị đào 13 km với 16 "lô cốt" trên 16 tuyến đường.

Bên cạnh đó, còn phát sinh hàng loạt dự án đào đường lắp đặt các công trình kỹ thuật ngầm vừa và nhỏ của các công ty cấp, thoát nước và điện lực. Cụ thể, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn trong năm nay dự kiến đào 26 km đường để lắp đặt các tuyến ống cấp nước cấp 1, 2. Công ty điện lực TP đào 14 km đường để lắp đặt tuyến cáp 110 kV Tao Đàn - Hòa Hưng. Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP đào 9 km đường để lắp đặt hệ thống thoát nước. Chưa kể hàng loạt "lô cốt" phục vụ thi công các công trình do các Khu quản lý giao thông đô thị trực thuộc Sở GTVT làm chủ đầu tư. Để hạn chế tình trạng "lô cốt" cát cứ tràn lan trên đường, Sở GTVT khẳng định "lô cốt" thuộc các dự án lắp đặt công trình kỹ thuật của các công ty cấp, thoát nước và điện lực sẽ bị khống chế thời gian dựng và tháo dỡ rào chắn ngay trong ngày. Còn các "lô cốt" thuộc 3 dự án ODA cũng bị khống chế thời gian rào chắn không quá 60 ngày và chiều dài không quá 100m.

Kẹt xe càng thê thảm

Sở GTVT cho biết sẽ tăng cường công tác giám sát cộng đồng, trong đó ghi nhận phản ánh của người dân để chấn chỉnh các sai phạm tại "lô cốt". Cụ thể, trong vòng 1 tuần sau khi dựng "lô cốt", chủ đầu tư và nhà thầu phải liên hệ với chính quyền địa phương để thành lập tổ giám sát cộng đồng. Trong suốt quá trình thi công, chủ đầu tư và nhà thầu phải họp định kỳ hằng tuần với tổ giám sát cộng đồng, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để tuyên truyền, công khai các dự án và phương án tổ chức phân luồng đến người dân. Sở GTVT tăng cường theo dõi, tổng hợp các phản ánh của báo chí và người dân để sớm xử lý các bất cập trong công tác đào đường.
Tính đến cuối tháng 3, toàn TP.HCM đã mọc hơn 230 "lô cốt" trên 78 tuyến đường, tạo thành những nút cổ chai gây kẹt xe khủng khiếp cả ngày lẫn đêm. Chẳng hạn trục đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) vốn thường xuyên ùn tắc do phải hứng luồng xe cộ khổng lồ từ hướng sân bay Tân Sơn Nhất đổ về trung tâm TP và ngược lại, nay lại có đến 8 "lô cốt" choán hơn nửa bề mặt đường nên liên tục xảy ra kẹt xe, kể cả ngoài giờ cao điểm. Chưa kể tuyến đường này còn giao cắt với đường sắt nên dễ thấy cảnh xe cộ sau khi chậm chạp bò qua từng "lô cốt" lại phải xếp hàng dài chờ xe lửa đi qua. Một số "lô cốt" trên đường này đã được dựng lên từ tháng 9.2007, nhưng thi công ì ạch đến nỗi sau gần 2 năm vẫn chưa xong.

Căng thẳng nhất phải kể đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ vòng xoay Hàng Xanh hướng về Bến xe miền Đông, quận Bình Thạnh). Đường này liên tục quá tải do lượng xe cộ đổ về Thủ Đức và Bến xe miền Đông rất lớn. Ngoài ra, trung bình mỗi ngày có gần 2.000 chuyến xe buýt ra vào Bến xe miền Đông khiến trục đường này tắc nghẽn nghiêm trọng. Từ khi có các "lô cốt" của dự án Vệ sinh môi trường án ngữ, xe cộ lưu thông qua đây phải chịu cảnh kẹt xe từ sáng đến tối, thậm chí có ngày đến sau 22 giờ đoạn đường này mới thông thoáng trở lại. Phần đường chừa cho lưu thông chỉ đủ cho một chiếc xe buýt đi lọt, xe máy phải leo cả lên vỉa hè khiến giao thông thường xuyên rối loạn.

Hiện nay, tại các "lô cốt" không bố trí người điều tiết giao thông cũng là một nguyên nhân khiến kẹt xe thêm căng thẳng. Chẳng hạn, "lô cốt" trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn gần cầu Thị Nghè, quận Bình Thạnh) không có người điều tiết nên xe cộ liên tục lấn tuyến, làm ách tắc giao thông ở cả hai chiều. Những "lô cốt" dựng ngay giữa giao lộ như tại Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng, Trần Quốc Toản - Hai Bà Trưng, Lê Hồng Phong - Hùng Vương, Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ... che khuất tầm nhìn của người đi đường, do đó vừa kẹt xe vừa dễ gây tai nạn.

Tổ chức thi công cuốn chiếu

Ông Trần Quang Phượng đã yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu phải thi công so le, cuốn chiếu trên các tuyến đường huyết mạch của TP để giảm kẹt xe. "Nếu muốn thi công đường Cách Mạng Tháng Tám, nhà thầu phải làm xong cơ bản đường ven kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè để người dân lưu thông. Tương tự, muốn rào chắn các đường Lê Văn Sỹ và Phan Đình Phùng phải thi công xong đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Chỉ rào chắn đường Bùi Hữu Nghĩa khi đã tháo dỡ rào chắn trên đường Đinh Tiên Hoàng, đồng thời phân luồng đường Đinh Tiên Hoàng thành hai chiều thay cho một chiều như hiện nay để tránh kẹt xe" - ông Phượng phân tích.

Bên cạnh đó, Sở GTVT cho biết sẽ nghiên cứu triển khai phân luồng giao thông trên diện rộng nhằm phân bố lưu lượng xe cộ ở những đường có "nút cổ chai" sang những đường thông thoáng hơn. Trong năm 2008, hoạt động phân luồng giao thông gần như giậm chân tại chỗ trong khi năm trước đó, Sở GTVT đã thí điểm thành công việc phân luồng một chiều ở một số khu vực nhằm hạn chế kẹt xe. Song song đó, việc điều chỉnh luồng tuyến xe buýt cũng phải theo sát tốc độ mọc lên của "lô cốt", tránh tình trạng nhiều tuyến đường bị "lô cốt" choán gần hết mà vẫn bố trí xe buýt loại lớn B80 đi qua.

Ông Trần Quang Phượng khẳng định trong năm nay sẽ quy trách nhiệm cụ thể cũng như các biện pháp chế tài đối với từng cá nhân (chỉ huy công trường, tư vấn giám sát...) nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân trong quá trình thi công các dự án đào đường. Chẳng hạn, đối với hư hỏng mặt đường phía bên ngoài "lô cốt", Sở giao cho các Khu quản lý giao thông đô thị chủ trì khắc phục trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện. Để đẩy nhanh tiến độ, Sở GTVT cam kết tạo điều kiện tối đa cho nhà thầu triển khai thi công 3 ca/ngày.

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.