TP.HCM: Giải pháp hỗ trợ cho nông dân bị thu hồi đất

30/11/2006 16:34 GMT+7

*Thực trạng thu hồi đất Kể từ cuối năm 1993, khi dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bắt đầu được triển khai, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã thực hiện các dự án: xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp để thu hút đầu tư và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nằm trong khu dân cư tập trung; mở rộng hệ thống giao thông trên địa bàn và cùng nhiều dự án khác.

Hàng vạn hộ dân nằm trong quy hoạch đã bị Nhà nước giải tỏa  thu hồi đất để thực hiện các dự án.   

Từ năm 1998 đến nay, Thành phố đã triển khai bồi thường và giải phóng mặt bằng 721 dự án, tổng diện tích thu hồi hơn 201,8 triệu m2. Tổng cộng có hơn 46.000 hộ dân bị thu hồi đất toàn bộ, trong đó có gần 31. 000 hộ đã chọn phương thức tự lo nơi ở mới (67%) và hơn 15.000 hộ có yêu cầu tái định cư. Thành phố đã bố trí tái định cư được gần 7.200 hộ, số hộ còn lại đang phải tạm cư hoặc nhận tiền tự lo tạm cư. Thực trạng cho thấy, số hộ dân bị giải toả di dời là rất lớn, chưa kể những dự án đã và đang triển khai với dự kiến số hộ dân tiếp tục bị di dời là không nhỏ.

Trong thời gian qua, Thành phố đã có những nỗ lực trong thực hiện các chính sách đền bù, tái định cư cho ngưòi dân, nhưng nhìn chung, do nhiều nguyên nhân, công tác giải toả, đền bù, tái định cư vẫn còn những bất cập, gây nhiều xáo trộn, bức xúc trong đại bộ phận cư dân có đất bị thu hồi. Mặt khác, do công tác thu hồi đất gặp nhiều khó khăn đã làm chậm trễ thời gian kế hoạch thực hiện các dự án, gây khó khăn cho các chủ đầu tư, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của Thành phố.

*Hỗ trợ bằng nhiều giải pháp   

Nhằm giải quyết những bức xúc của người dân bị thu hồi đất cũng như tạo môi trường thuận lợi trong kêu gọi đầu tư, thời gian gần đây Thành phố đã thực hiện một số giải pháp, trong đó tập trung vào công tác bồi thường, tái định cư, hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn.

UBND Thành phố và các quận, huyện đã tập trung tái định cư cho các hộ dân đã  tạm cư trong thời gian dài. Các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan nhanh chóng rà soát thủ tục, đơn giản hoá quy trình thẩm định, xét duyệt để tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư; công khai hoá các thủ tục, quy trình, thời gian thực hiện. Lãnh đạo các quận, huyện tập trung giải quyết tái định cư cho các hộ dân tạm cư bằng 3 phương thức: bù chênh lệch bằng tiền, bằng căn hộ chung cư hoặc bằng nền đất đã có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Thành phố cho phép các quận, huyện mua các căn hộ chung cư và nền đất đã có cơ sở hạ tầng kỹ thuật để phục vụ tái định cư cho các hộ nằm trong các dự án trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm khắc các cán bộ quan liêu, cửa quyền, trì trệ khi xét duyệt dự án đầu tư, giải quyết tái định cư… Thành phố khuyến khích các doanh nghiêp đầu tư xây dựng nhà tái định cư, xây dựng  bảng giá các loại đất trên địa bàn để làm cơ sở đền bù khi Nhà nước thu hồi đất; phân cấp cho UBND quận, huyện xét duyệt các phưong án bồi thường đối với các dự án trên địa bàn. Riêng đối với các dự án kinh doanh nhà ở, phần lớn các chủ đầu tư thực hiện đền bù bằng việc hoán đổi nền đất đã có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh.

Thành phố còn thực hiện những chính sách hỗ trợ khác, như: đối với các hộ nông dân sau khi bị thu hồi vẫn còn đất canh tác thì sẽ được hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất với mức lãi vay theo chương trình 419 (hộ dân thường được hỗ trợ 4% lãi suất vay/năm; hộ diện xoá đói giảm nghèo được hỗ trợ 7% lãi suất/năm). Đến cuối năm 2005, Thành phố đã hỗ trợ 74 dự án với tổng vốn 978 tỷ đồng. Đối với hộ bị thu hồi dưới 30% diện tích, Thành phố hỗ trợ kinh phí học nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn với mức 300.000 đồng/người/tháng và không quá 1,5 triệu đồng trong một khoá đào tạo. Những hộ dân không còn đất sản xuất phải chuyển sang ngành nghề khác thì được hỗ trợ cho vay tín dụng từ 1 triệu đến 20 triệu đồng/hộ, lãi vay 6%/năm. Hỗ trợ, khoanh nợ lãi vay ngân hàng cho những hộ bị thu hồi hết đất, không thể tiếp tục sản xuất để trả nợ ngân hàng. Thành phố cũng đang xây dựng đề án thành lập công ty với sự góp vốn bằng tiền bồi thường của nông dân bị thu hồi đất. Xây dựng đề án nhà ở xã hội trên địa bàn giai đoạn 2006 - 2010…

Thành phố cũng vừa thành lập Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho ngưòi dân có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn. Nguồn vốn của Quỹ bao gồm: nguồn ngân sách Thành phố, đóng góp của chủ đầu tư sử dựng đất của người dân, đóng góp tự nguyện của các cá nhân, tổ chức, kể cả tổ chức phi chính phủ và các nguồn tín dụng khác được ngân sách Thành phố cấp bù lãi suất. Người bị thu hồi đất sẽ được Quỹ hỗ trợ để  theo học văn hoá, học nghề, đầu tư sản xuất, kinh doanh, đi xuất khẩu lao động… Theo đó, học sinh học phổ thông và đại học sẽ được hỗ trợ học phí và tiền đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường học, thời gian hỗ trợ không quá 3 năm. Học sinh học nghề được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người đối với khoá đào tạo trung hạn và không quá 250 ngàn đồng/ngưòi/tháng đối với khoá ngắn hạn. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, mỗi lao động được vay không quá 10 triệu đồng, mỗi hộ không quá 30 triệu đồng. Riêng đối với trường hợp đi xuất khẩu lao động thì được vay không quá 50 triệu đồng/hộ. Lãi suất cho vay ưu đãi là 2%/năm (0,17%/tháng).

Theo website Bộ Tài nguyên Môi trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.