TP.HCM làm chặt đấu giá công sản, băn khoăn thu hồi đất 'cấp cho cán bộ'

Ngọc Lê
Ngọc Lê
09/03/2018 21:03 GMT+7

'TP.HCM sẽ giám sát chặt việc bán đấu giá tài sản công nhằm chấn chỉnh không thể xảy ra hình thức đấu giá có sự thỏa hiệp, làm thất thoát tài sản nhà nước', Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.

Chiều 9.3, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị quán triệt Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Nghị định có hiệu lực từ 1.1.2018.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định TP.HCM sẽ triển khai ngay nghị định 167 một cách đồng bộ, giám sát chặt chẽ việc bán đấu giá tài sản công, không để xảy ra sự "thỏa hiệp" trong đấu giá làm thất thoát tài sản nhà nước.
"Không phải vị trí đất nào cũng bán, vì phải đảm bảo quỹ đất dự phòng cho những lĩnh vực chiến lược của TP", ông Tuyến nhấn mạnh.
Ông Trần Đức Thắng (Cục trưởng Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính) cho biết việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện trong 2 trường hợp: nhà và đất dôi dư không còn nhu cầu sử dụng sau khi sắp xếp lại và tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng; Nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
Thu hồi đất công sử dụng sai mục đích

Ông Trần Đức Thắng cũng lưu ý nội dung thu hồi đất công sử dụng sai mục đích theo tinh thần của nghị định 167: "Đối với nhà, đất đã bố trí làm nhà ở không đủ điều kiện chuyển giao về địa phương quản lý theo quy định, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải thực hiện di dời các hộ gia đình, cá nhân ra khỏi khuôn viên cơ sở nhà, đất để sử dụng đúng mục đích. Việc hỗ trợ đối với các hộ gia đình, cá nhân phải di dời thực hiện theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất". 

Ngoài ra, toàn bộ số tiền thu được từ việc cho thuê, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết không đúng quy định phải nộp vào ngân sách trung ương và địa phương.

 
Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính, phát biểu tại hội nghị Ảnh: Ngọc Lê

Băn khoăn công tác bồi thường khi thu hồi đất

Theo nghị định mới, việc thu hồi đất sẽ được áp dụng khi cơ quan, tổ chức đơn vị, doanh nghiệp không sử dụng liên tục quá 12 tháng và sử dụng nhà đất không đúng quy định.
Chủ  tịch UBND Q.1 Trần Thế Thuận lo ngại khi việc thu hồi đất còn nhiều vướng mắc.
"Như trong tháng 12.2017, Q.1 có quyết định thu hồi 200 m2 trên địa bàn để làm trường mầm non, 200 m2 này nằm trong hẻm sâu, quận phải thỏa thuận với 4 hộ dân. Tuy nhiên, có 3 hộ không đồng ý di dời, đưa giá đền bù rất cao. Ngân hàng định giá 15 tỉ đồng, chủ nhà đòi 26 tỉ đồng. Như vậy giá nhà nước và giá người dân định giá khác xa nhau. Việc xây dựng trường học vì vậy cũng diễn ra chậm", ông Thuận dẫn chứng.
Giải đáp thắc mắc này, ông Trần Đức Thắng khẳng định: "Thu hồi đất vì mục đích giáo dục phải làm theo quy định của Luật đất đai, việc này cần có sự vào cuộc của quận đồng thời có sự chỉ đạo của TP và TƯ. Nếu thấy đất của TƯ hay địa phương nằm trên địa bàn quận mà không sử dụng đúng mục đích hoặc không sử dụng thì mạnh dạn đề xuất để có quỹ đất làm trường mầm non".

Ông Thuận cũng đề cập đến thực trạng đất được cấp cho cán bộ để ở, về sau được bán qua tay nhiều người. Chính quyền địa phương muốn thu hồi mặt bằng rất khó vì không có quy định cụ thể nào hướng dẫn việc cưỡng chế, cũng như sắp xếp lại đất ở cho cán bộ, công chức. Ông Thuận kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể để làm căn cứ pháp lý thu hồi đất.

Riêng vấn đề này, ông Thắng khẳng định, trước đó nhà nước đã có quy định nếu bố trí làm nhà ở không phù hợp với quy hoạch đất ở thì phải di dời, theo đúng quy định hỗ trợ hợp lý, hội đồng cấp quận xem xét hỗ trợ cho hộ gia đình đó, nếu họ không chấp hành phải cưỡng chế.

Ông Thắng cho rằng thực trạng này không chỉ xảy ra TP.HCM mà tại Hà Nội cũng có nhiều trường hợp tương tự

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.