TP.HCM: Bị can án tham nhũng, kinh tế tự nguyện nộp tài sản chiếm đoạt chiếm 99,2%

Phan Thương
Phan Thương
04/11/2022 15:19 GMT+7

Đối với thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong án tham nhũng , kinh tế, theo số liệu của Công an TP.HCM, các bị can đã tự nguyện nộp 1.367 tỉ đồng/1.379 tỉ đồng do CQĐT đã thực hiện các biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ - chiếm tỷ lệ 99,2%.

Tại buổi giám sát của Ban Thường trực Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đối với Công an, Viện kiểm sát, Cục thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM về việc giải quyết, thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đại diện Công an TP.HCM cho biết quá trình điều tra, bị can phạm tội tự nguyện nộp tài sản chiếm đoạt chiếm tỷ lệ rất cao.

Thượng tá Lê Quang Phúc tại buổi giám sát ngày 4.11

NGUYỄN ANH

Thượng tá Lê Quang Phúc (Trưởng phòng PC03 Công an TP.HCM) cho biết từ ngày 1.1.2018 – 30.9.2022, Công an TP.HCM thụ lý 276 vụ án về tham nhũng, kinh tế, và đã giải quyết 252 vụ.

Trong 252 vụ đã giải quyết thì tài sản cần phải thu hồi là 1.961 tỉ đồng. Trong đó, CQĐT đã thực hiện các biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ 1.379 tỉ đồng – được khoảng 72% số cần phải thu hồi; trong đó số tiền bị can tự nguyện giao nộp là 1.367 tỉ đồng – khoảng 99,2%, còn lại là áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa.

Còn lại khoảng 537 tỉ đồng – khoảng 18% chưa thu hồi, thượng tá Lê Quang Phúc nêu một số nguyên nhân, như: ngay từ đầu, khi thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng phạm tội đã có ý thức che giấu, tẩu tán tài sản nên khó thu hồi; đối tượng tham nhũng, tiêu cực thường dùng tiền chiếm đoạt đầu tư vào các hoạt động phi pháp chưa được thừa nhận như đầu tư tiền ảo, cờ bạc… dẫn đến CQĐT chưa thể áp dụng các biện pháp thu hồi được;

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo PC03 Công an TP.HCM, hiện nay chưa có cơ chế hữu hiệu nhất để kiểm soát thu nhập/tài sản, nguồn hình thành tài sản của người dân để công tác xác minh tài sản hợp pháp của cá nhân liên quan đến nghi vấn rửa tiền, sử dụng nguồn tiền phạm tội mà có, từ đó gây khó khăn công tác kê biên thu hồi; cơ quan chủ quản về quản lý tài sản như ngân ngân hàng, quản lý đất đai, TN-MT... chậm cung cấp tài liệu, thông tin về tài sản, tiền theo yêu cầu của CQĐT cũng gây ảnh hưởng đến việc kê biên, thu hồi tài sản;...

Theo báo cáo của Công an TP.HCM, tổng số tiền phải thu hồi trong án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo là 1.591,3 tỉ đồng/5 vụ án. CQĐT đã thu giữ được 1.305,7 tỉ đồng từ việc các bị cáo tự khắc phục hoặc CQĐT kê biên, phong tỏa, tạm giữ.

Đối với 285,37 tỉ đồng - tài sản bị chiếm đoạt chưa thu hồi, Công an TP.HCM cho biết có 2 tỉ đồng trong vụ Tề Trí Dũng và đồng phạm tham ô tài sản chưa nộp tiền khắc phục; 122 tỉ đồng từ vụ Tề Trí Dũng sai phạm tại dự án An Phú Tây; 68,04 tỉ đồng từ vụ Trần Công Thiện và đồng phạm sai phạm tại Công ty TNHH MTV ĐT - XD Tân thuận; 73,33 tỉ đồng thất thoát trong vụ Diệp Dũng lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại Saigon Co.op nhưng CQĐT xác minh bị can không còn tiền, tài sản khác để áp dụng biện pháp thu hồi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.