UBND TP cam kết sẽ bố trí đầy đủ và kịp thời nguồn vốn đối ứng từ ngân sách thành phố cho dự án.
Theo UBND TP.HCM, sau một thời gian khẩn trương làm việc với các nhà tài trợ, hiện việc thu xếp và bổ sung nguồn tài trợ từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Chính phủ Tây Ban Nha đã khả thi.
Tuy nhiên, theo quy định của luật Đầu tư công và luật Xây dựng, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 dự kiến 41.607 tỉ đồng (bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) thuộc dự án quan trọng quốc gia, phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong khi dự án trên đã cơ bản hoàn tất việc chuẩn bị hồ sơ lập dự án đầu tư.
Nhằm tiết kiệm thời gian chuẩn bị dự án, tránh lãng phí và tận dụng hiệu quả các cam kết tài trợ dành cho dự án, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sử dụng báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Tuyến metro số 5 hướng tuyến từ Bến xe Cần Giuộc mới - Quốc lộ 50 - Tùng Thiện Vương - Phù Đổng Thiên Vương - Lý Thường Kiệt - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng - Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn, tổng chiều dài khoảng 23,39 km. Dự án chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) chiều dài khoảng 8,89 km (7,46 km ngầm và 1,43 km trên cao). Giai đoạn 2 (Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc mới) và depot Đa Phước, tổng chiều dài khoảng 14,5 km (8,9 km đi ngầm và 5,6 km đi trên cao).
Tuyến metro số 5 giai đoạn 1 là tuyến bán vành khuyên, chạy dọc theo khu vực tập trung dân cư cao nhất của TP.HCM qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh. Đây là tuyến metro có vai trò kết nối và trung chuyển hành khách với các tuyến metro số 1, số 2 và tuyến số 4b giai đoạn 1 nối vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Việc đầu tư xây dựng tuyến metro số 5 giai đoạn 1 sẽ góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, cải thiện khả năng lưu thông trong nội thành thành phố, bảo vệ môi trường.
Dự án xây dựng tuyến metro số 5 giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư dự kiến 41.607 tỉ đồng, tương đương 1,563 tỉ euro với cơ cấu nguồn vốn: Chính phủ Tây Ban Nha cho vay 275 triệu euro (7.322 tỉ đồng), ADB cho vay 475 triệu euro (12.647 tỉ đồng), KfW cho vay 200 triệu euro (5.325 tỉ đồng), EIB cho vay 150 triệu euro (3.994 tỉ đồng), vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM 12.319 tỉ đồng (462,71 triệu euro).
Do dự án tuyến metro số 5, giai đoạn 1 là dự án giao thông công cộng với quy mô đầu tư lớn nhằm giảm ùn tắc, cải thiện giao thông công cộng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khí thải từ các phương tiện giao thông, vì vậy không có khả năng thu hồi vốn đầu tư trực tiếp. Do đó, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho áp dụng cơ chế tài chính trong nước cho phần vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án này, tương tự như các dự án đầu tư xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên và tuyến Bến Thành - Tham Lương đang được triển khai (ngân sách trung ương cấp phát cho phần xây dựng kết cấu hạ tầng, chi phí khác và thành phố sẽ vay lại phần mua sắm thiết bị).
Bình luận (0)