Theo thống kê, có 5 địa phương giải ngân trên 90% vốn bồi thường gồm Q.8, Q.10, Q.12, Q.Tân Bình và Q.Phú Nhuận. 10 địa phương khác từ 50% đến dưới 90%. Có 4 địa phương giải ngân dưới 50% gồm Q.6, Q.Tân Phú, TP.Thủ Đức và H.Cần Giờ. Riêng Q.Tân Phú mới đạt hơn 23%, sắp tới cần giải ngân 212 tỉ đồng nhưng có đến 209 tỉ đồng khả năng lớn không thể chi trả vì người dân không đồng thuận với chính sách đền bù.
Hai địa phương khác đến nay vẫn chưa giải ngân là Q.3 (423 tỉ đồng) và Q.5 (588 tỉ đồng). Trong đó, Q.3 có dự án duy nhất là tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang chờ kết luận của UBND TP.HCM mới đủ cơ sở pháp lý triển khai các bước tiếp theo. Còn Q.5 đã ban hành quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất của hai dự án (trung tâm y tế quận và xây dựng kênh Hàng Bàng) nên nếu tập trung, tăng cường nguồn lực thì khả năng giải ngân trên 90%.
TP.HCM cần giải ngân 10.800 tỉ đồng vốn bồi thường
Đối với TP.Thủ Đức, Sở TN-MT đánh giá là địa phương được giao vốn lớn nhất với hơn 9.500 tỉ đồng (chiếm 36% tổng vốn toàn TP), dù giải ngân hơn 4.200 tỉ đồng nhưng chỉ đạt tỷ lệ hơn 44%. Mới đây, UBND TP.Thủ Đức phê duyệt chính sách, phương án bồi thường thêm cho 3 dự án (đường Lò Lu, nút giao Mỹ Thủy và Vành đai 3) với tổng vốn gần 1.600 tỉ đồng. Sở TN-MT ước tính thời gian tới tỷ lệ giải ngân của địa phương này chỉ tăng lên chưa tới 61%.
Theo Sở TN-MT, số tiền còn phải giải ngân đến hết năm hơn 10.800 tỉ đồng, và để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% cần tăng cường nhiều giải pháp, sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các sở ngành, địa phương, chủ đầu tư. Cơ quan này sẽ phối hợp các địa phương tiếp tục giải quyết vướng mắc tại các dự án thủy lợi ven sông Sài Gòn (từ sông Lu đến rạch Bà Bếp), bến xe buýt Củ Chi. Sở TN-MT cũng kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương giao các địa phương, nhất là 3 huyện Nhà Bè, Hóc Môn và Củ Chi rà soát quỹ đất để xây dựng khu tái định cư.
Bình luận (0)