(TNO) Sáng 9.3, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM có công văn gửi UBND các quận, huyện và các sở, ngành liên quan về việc cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch, biển trên địa bàn nhằm chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trên địa bàn thành phố có 62 khu vực sạt lở, trong đó có 29 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm gồm quận Thủ Đức (2 vị trí), quận Bình Thạnh (7 vị trí), quận 2 (3 vị trí), quận 8 (1 vị trí), huyện Bình Chánh (4 vị trí), huyện Nhà Bè (12 vị trí) và 18 khu vực sạt lở mức độ nguy hiểm và 15 khu vực sạt lở mức độ bình thường.
Trong năm 2011 đã xảy ra 9 vụ sạt lở tập trung trên các địa bàn như huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức và quận Bình Thạnh với tổng diện tích sạt lở khoảng 4.556 m2.
Các vụ sạt lở xảy ra đã gây hư hỏng hoàn toàn 10 căn nhà, hư hại 1 đoạn kè dài 50m tại huyện Cần Giờ. Ước tính tổng thiệt hại do các vụ sạt lở gây ra khoảng 12,6 tỉ đồng; trong đó vụ sạt lở ngày vào 28.8.2011 xảy ra tại bờ rạch Dơi, ấp 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè đã làm chết 1 người và 4 căn nhà đổ hoàn toàn xuống sông.
Một trong những nguyên nhân gây sạt lở đáng chú ý nhất là do các hoạt động xây dựng nhà cửa, kho hàng, vật kiến trúc và lập các bến bãi sát mép bờ… làm gia tăng tải trọng trên nền đất yếu tạo ra áp lực, gây hiện tượng nén lún, ép trồi khối đất bờ ra mái bờ làm mất ổn định mái bờ sông dẫn đến nguy cơ sạt lở.
Cũng theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, hiện thành phố đang bước vào thời điểm thường xảy ra hiện tượng sạt lở đất ven sông, kênh, rạch, biển vì bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 9 hằng năm là thời gian có mực nước chân triều rút thấp nhất trong năm.
Đình Phú
>> Lại sạt lở kinh hoàng ở Long Xuyên, nhấn chìm hàng chục ngôi nhà
>> Sạt lở nghiêm trọng ở TP.Long Xuyên
>> Sông "nuốt" đồng
>> Khai thác cát trộm, tàn phá đê sông
>> Sạt lở bờ sông Hậu
>> Liều mạng trước hiểm họa lở núi
>> Chủ động ứng phó nước biển dâng
Bình luận (0)