TP.HCM dự kiến cấp sổ hồng cho 38.000 căn hộ trong năm 2025

10/12/2024 11:14 GMT+7

Sau 1 năm rưỡi tháo gỡ, Sở TN-MT TP.HCM giải quyết vướng mắc, cấp sổ hồng cho hơn 43.000 căn hộ, dự kiến hoàn tất xử lý khoảng 38.000 căn còn lại trong năm sau.

Nội dung này được UBND TP.HCM báo cáo hôm nay 10.12 nhằm giải trình các đại biểu HĐND TP.HCM liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận các căn hộ chung cư (còn gọi là sổ hồng) trên địa bàn.

Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà chung cư, UBND TP.HCM đã giao Sở TN-MT chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ 6 nội dung khó khăn, vướng mắc đã được phân nhóm, phân loại và đã được một số kết quả nhất định được phân thành 2 nhóm.

Nhóm 1 là các dự án đã có văn bản thẩm định đủ điều kiện cấp sổ hồng nhưng chưa hoàn tất việc giải quyết do 6 nhóm vướng mắc. Hồi tháng 5.2023, Sở TN-MT đề ra kế hoạch tháo gỡ cho 81.085 căn nhà tại 335 dự án nhà ở thương mại.

Đến tháng 12.2024, Sở TN-MT và các sở ngành đã hoàn tất việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 43.121 căn, tỷ lệ 53%. Dự kiến trong năm 2025, các sở ngành sẽ hoàn tất việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho số lượng căn hộ còn lại.

TP.HCM dự kiến cấp sổ hồng cho 38.000 căn hộ trong năm 2025- Ảnh 1.

TP.HCM lên kế hoạch cấp sổ hồng cho hàng chục ngàn căn hộ chung cư trong năm 2025

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Nhóm 2 là các dự án đầu tư mới, đã hoàn thành việc xây dựng, đưa vào sử dụng nhưng chưa hoàn tất việc cấp giấy chứng nhận, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch nhằm thực hiện 3 nội dung công việc chính để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và cải cách thủ tục hành chính về đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Song song đó, địa phương cũng thành lập tổ công tác do Giám đốc Sở TN-MT làm tổ trưởng để tháo gỡ. Theo thống kê, tổ công tác đã tổ chức 8 cuộc họp, tháo gỡ cho 40 dự án với tổng số gần 27.000 căn hộ, căn nhà, thửa đất, officetel cùng 655 chỗ đậu xe ô tô và 206 ô thương mại dịch vụ.

Liên quan đến bảng giá đất, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết ngày 21.10, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 79 về bảng giá đất điều chỉnh, gồm 6 loại.

Trong đó, bảng giá đất nông nghiệp được giữ nguyên như trước đây. Bảng giá đất ở được đề xuất phù hợp với tình hình hiện nay và có xem xét đến các đối tượng bị ảnh hưởng, đặc biệt là các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.

Riêng 4 bảng giá đất thương mại dịch vụ; sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ; đất thương mại, dịch vụ trong Khu Công nghệ cao và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại dịch vụ trong Khu Công nghệ cao được giữ nguyên mức thu như trước đây.

Các dự án BT đều chậm

Thông tin một số dự án chậm tiến độ, UBND TP.HCM cho biết đang hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án BT (xây dựng - chuyển giao) trên đường hiện hữu trong tháng 1.2025 gồm: nâng cấp đường trục Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) và xây dựng cầu đường Bình Tiên. 3 dự án còn lại sẽ thực hiện trong năm 2025 gồm nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, quốc lộ 1 và quốc lộ 22.

Đối với xây dựng nhà thi đấu Phan Đình Phùng, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở KH-ĐT tham mưu việc bãi bỏ dự án theo hợp đồng BT, đồng thời giao Sở Văn hóa - Thể thao chuẩn bị dự án bằng nguồn vốn ngân sách.

TP.HCM dự kiến cấp sổ hồng cho 38.000 căn hộ trong năm 2025- Ảnh 2.

Bên trong dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng (Q.3, TP.HCM) bỏ hoang nhiều năm

ẢNH: NGUYÊN VŨ

Đối với 41 dự án đầu tư bằng phương thức đối tác công tư lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa, UBND TP.HCM cho biết đã ban hành trình tự thực hiện, 24 phụ lục tổng hợp các biểu mẫu nhằm mục đích hệ thống, khái quát trình tự thực hiện, cung cấp đến nhà đầu tư cái nhìn rõ nét hơn.

Hồi giữa tháng 10.2024, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao, thu hút hơn 150 doanh nghiệp tham gia. Ngoài ra, Sở Y tế, Sở GD-ĐT và các quận, huyện liên quan và tổ chức triển khai việc kêu gọi đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo.

UBND TP.HCM cho biết việc triển khai 41 dự án này còn chậm. Lý do, dù được áp dụng một số cơ chế đặc thù (chủ yếu về mặt chủ trương) nhưng khi đi vào chuyên sâu thì phải tuân thủ theo quy định của luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các nghị định, thông tư hướng dẫn.

Chưa kể, trình tự thủ tục thực hiện các dự án PPP tương đối phức tạp (phải trải qua ít nhất 05 giai đoạn), một số nội dung hướng dẫn vẫn chưa được ban hành như các hợp đồng mẫu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.