Trong đó, dự thảo giảm diện tích hạn mức công nhận đất ở và thu hẹp phạm vi đơn vị hành chính áp dụng tương ứng với từng diện tích. Việc điều chỉnh như trên áp dụng với các hộ, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18.12.1980 và từ ngày 18.12.1980 đến trước ngày 15.10.1993 trên địa bàn.
Giảm do tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ
Cụ thể, hạn mức đất ở đề xuất giảm tại TP.Thủ Đức, các quận 7, 12, Bình Tân từ 200 m2 mỗi hộ xuống còn tối đa 160 m2. Các khu dân cư nông thôn thuộc các huyện như: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ, hạn mức đất ở được đề xuất không quá 250 m2, thay vì 300 m2 như hiện nay. Riêng các thị trấn thuộc 5 huyện ngoại thành, hạn mức đất ở không thay đổi, vẫn mức tối đa 200 m2.
Theo Sở TN-MT, đất ở là diện tích được sử dụng cho xây dựng nhà, công trình phục vụ đời sống; đất vườn, ao gắn liền với nhà ở trong cùng thửa. Hạn mức đất ở để cơ quan quản lý dựa vào khi công nhận quyền sử dụng đất, giao đất cho người dân. Mỗi tỉnh, TP có hạn mức đất ở khác nhau. Ngoài ra, Sở TN-MT cũng đề xuất quy định chung một hạn mức công nhận đất ở cho khoảng thời gian trước ngày 18.12.1980 và từ ngày 18.12.1980 đến trước ngày 15.10.1993 nhằm đảm bảo tính liên tục, thống nhất và phù hợp với tình hình thực tiễn công nhận đất ở trên địa bàn TP.HCM.
TP.HCM đề xuất giảm hạn mức đất ở tại TP.Thủ Đức và 3 quận
Lý giải đề xuất giảm hạn mức đất ở tại các khu vực trên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết: Hiện nay tốc độ đô thị hóa tại các quận 7, 12, Bình Tân và TP.Thủ Đức diễn ra mạnh mẽ, có hiện trạng phát triển về nhà ở tương tự các quận 6, 8, Gò Vấp, Bình Thạnh. Mật độ cũng như quỹ đất xây dựng nhà ở tại các khu quy hoạch phát triển đô thị tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ không thua kém, thậm chí còn cao hơn tại khu vực thị trấn thuộc các huyện này. Nhu cầu sử dụng đất ở để xây dựng nhà ở tại tất cả khu vực trên toàn địa bàn TP rất cao nhưng quỹ đất ở chưa công nhận hiện nay còn lại thấp. Trong khi đó, luật Đất đai mới quy định các trường hợp sử dụng đất trước ngày 18.12.1980 và từ ngày 18.12.1980 đến trước ngày 15.10.1993 mà nay được công nhận quyền sử dụng đất ở thì không phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích đất ở trong hạn mức. Như vậy, việc quy định diện tích hạn mức công nhận đất ở cao và áp dụng trên phạm vi thuộc nhiều đơn vị hành chính, ngoài những lý do đã nêu trên, có thể giảm thu ngân sách nhà nước về tiền sử dụng đất.
Vì thế, Sở TN-MT đề xuất giảm hạn mức công nhận đất ở và thu hẹp phạm vi đơn vị hành chính áp dụng tương ứng với từng diện tích theo hạn mức.
Có ảnh hưởng nhiều đến người dân?
Theo quy định, đối với đất ở trong hạn mức người dân chỉ phải đóng tiền sử dụng đất theo bảng giá đất. Phần đất dôi dư, ngoài hạn mức khi chuyển từ các loại đất khác sang đất ở phải đóng tiền sử dụng đất theo bảng giá đất nhân với hệ số sử dụng đất (hệ số K). Chính vì vậy, việc tăng hoặc giảm hạn mức đất ở sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân khi đi làm giấy chứng nhận lần đầu và ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách TP.
Một lãnh đạo UBND H.Nhà Bè thừa nhận dù là huyện ngoại thành nhưng đô thị hóa ở đây phát triển rất nhanh do quy hoạch gần như phủ kín địa bàn. Những người được hưởng hạn mức ưu tiên cũng gần như hưởng hết rồi. Nên quy định này nếu được thông qua cũng không tác động nhiều. "Hiện nay tốc độ đô thị hóa ở các quận, huyện tương đối lớn nên hạn mức vậy hợp lý. Nếu giảm hạn mức đất ở thì phần diện tích dôi dư ngoài hạn mức, người dân phải thực hiện nghĩa vụ tài chính cho phần đất này bằng cách lấy bảng giá đất nhân với hệ số K. Hiện nay, những người được hưởng hạn mức ưu tiên cũng được hưởng gần hết rồi, còn thế hệ mới cũng nên phải thực hiện. Như đa số ở Nhà Bè hiện nay là tính tiền sử dụng đất ngoài hạn mức, trừ trường hợp những người dân ở cố cựu nhiều năm chưa làm giấy chứng nhận lần nào, nhưng con số này cũng rất ít. Hạn mức quy định như vậy để áp dụng cho các hình thức giao đất có tính tiền sử dụng đất nên cũng phù hợp", vị này cho hay.
Nguyên Giám đốc Văn phòng đăng ký đai TP.HCM Phạm Ngọc Liên giải thích việc tính hạn mức để tính tiền sử dụng đất khi người dân chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác sang đất ở và để tính tiền khi giao đất. Tuy nhiên, hiện tại thì đất không còn nhiều nên giao đất cũng ít, những trường hợp người dân làm giấy chứng nhận lần đầu cũng không còn nhiều. Theo thống kê, đến khoảng cuối năm 2023 công tác cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình cá nhân trên địa bàn TP đã giải quyết cấp được 1.579.274 giấy chứng nhận, đạt tỷ lệ 99,19%. Như vậy có thể thấy, phần lớn người dân làm giấy chứng nhận lần đầu đã được hưởng chính sách ưu đãi về hạn mức, được đóng tiền sử dụng đất theo bảng giá đất.
Dù vậy ông Liên lưu ý để đưa ra quyết định tăng hay giảm hạn mức cần có con số thống kê khoa học xem thời gian qua đã có bao nhiêu người dân được hưởng chính sách này, ngân sách thu tiền sử dụng đất trong hạn mức bao nhiêu, ngoài hạn mức bao nhiêu. Khi đã có số liệu thống kê mới đưa ra được quyết định chính xác và thuyết phục được người dân. Ngược lại, nếu không có căn cứ khoa học sẽ khó giải thích với những người chưa được hưởng chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất nhưng nay bị cắt giảm.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng giảm hạn mức đất ở của người dân nhưng ngân sách có lợi khi thu tiền sử dụng đất nhiều hơn, phải chăng TP đang tận thu trong bối cảnh nguồn thu từ các lĩnh vực khác sụt giảm?
Nguồn thu từ đất tăng
Thống kê 6 tháng đầu năm nay, nguồn thu từ đất đai tại TP.HCM đạt gần 11.000 tỉ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 4,1% tổng thu ngân sách TP. Nguồn thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, thuê đất, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất cùng các khoản phí và lệ phí.
Bình luận (0)