TP.HCM: H.Bình Chánh tổ chức phiên tòa giả định, tuyên truyền pháp luật cho học sinh

Xuân Khánh
Xuân Khánh
31/10/2022 17:37 GMT+7

Sáng 31.10, TAND H.Bình Chánh phối hợp Trường THPT Phong Phú (H.Bình Chánh, TP.HCM) tổ chức phiên tòa giả định về tội “cố ý gây thương tích” và tuyên truyền pháp luật về tác hại của ma túy , bạo lực học đường .

Phiên tòa giả định được tổ chức tại Trường THPT Phong Phú với sự tham dự của khoảng 500 học sinh.

Phiên tòa giả định về bạo lực học đường

Theo cáo trạng của phiên tòa giả định, Võ Thành Hiếu (17 tuổi) và Nguyễn Huỳnh Quang Vinh (18 tuổi) là học sinh Trường THPT Phong Phú. Ngày 3.1.2022, Vinh cho rằng Hiếu đăng bài nói xấu mình trên mạng xã hội nên tìm đến lớp đánh Hiếu. Hiếu kể lại cho Trương Quốc Cường (anh họ của Hiếu) biết nên Cường nói Hiếu nhắn tin hẹn Vinh đến "nói chuyện". Nhận được tin nhắn của Hiếu, Vinh rủ Trịnh Thanh Duy và Châu Thế Gia đến khu dân cư Phong Phú gặp Hiếu.

Trước khi đi, Duy về nhà lấy dao mang theo nhưng không cho ai biết. Khoảng 19 giờ ngày 3.1.2022, nhóm của Hiếu và Vinh gặp nhau tại điểm hẹn và xảy ra tranh cãi. Duy rút dao đâm 2 nhát vào đùi và tay của Cường. Lúc này, Công an H.Bình Chánh đi tuần tra, phát hiện sự việc đã bắt giữ các bị cáo.

Theo kết quả giám định, Cường bị tổn thương cơ thể với tỷ lệ 24%, không gây nguy hiểm tính mạng. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Duy 9 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”.

Vấn nạn bạo lực học đường, trách nhiệm từ nhà trường đến xã hội

Ngay sau phiên tòa giả định, thẩm phán TAND H.Bình Chánh Lại Phước Trường đã chia sẻ về phòng chống tác hại ma túy và bạo lực học đường đến học sinh.

Học sinh Trường THPT Phong Phú (H.Bình Chánh) trao đổi với thẩm phán TAND H.Bình Chánh Lại Phước Trường về vấn nạn bạo lực trong học đường

XUÂN KHÁNH

Ông Trường cho biết, hiện nay vẫn còn trường hợp các em học sinh cấp 3 tụ tập, sử dụng ma túy, kể cả khi đang ở ngay trong trường học.

Thẩm phán Lại Phước Trường dẫn chứng: “Tôi từng tham gia xét xử 1 bị cáo đang còn là học sinh nhưng phạm tội liên quan đến việc sử dụng trái phép chất ma túy. Em này mọi thứ đều bình thường, nhà cũng khá giả nhưng bất ngờ bị bắt giữ. Khám xét phát hiện có ma túy, khi công an thông báo về gia đình vẫn không tin đây là sự thật. Trong khi em học sinh này ở nhà rất bình thường, đi học đều đặn. Nhưng một khoảng thời gian xin tiền gia đình nhiều hơn, ít giao lưu bạn bè và kết quả học tập đi xuống rất nhiều, ở nhà em ở phòng riêng nên lén sử dụng ma túy trong 3 năm mà gia đình không hay biết”.

Về vấn nạn bạo lực học đường, ông Trường cho rằng trách nhiệm thuộc về người gây ra bạo lực học đường, nạn nhân của các vụ việc bạo lực học đường, từ nhà trường và cả xã hội. Với kinh nghiệm 27 năm làm việc, xét xử tại tòa án, về tác hại của ma túy, bạo lực học đường, ông Trường mong rằng những phiên tòa giả định sẽ giúp những bên liên quan như học sinh, nhà trường, gia đình cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.