TP.HCM: kiểm tra đăng ký hành nghề cơ sở khám chữa bệnh đến hết năm

Duy Tính
Duy Tính
08/04/2024 12:19 GMT+7

Việc kiểm tra đăng ký hành nghề tại các cơ sở khám chữa bệnh của Sở Y tế TP.HCM kéo dài đến hết năm 2024.

Ngày 8.4, Sở Y tế TP.HCM cho biết, đã ban hành kế hoạch kiểm tra việc thực hiện đăng ký hành nghề các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn; thời gian từ ngày 15.4 và kéo dài đến hết năm 2024.

Ngoài kiểm tra theo trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch, Sở Y tế TP.HCM còn kiểm tra đột xuất cơ sở khám chữa bệnh theo đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân, dư luận xã hội, phản ánh của báo chí. Trong kế hoạch kiểm tra này bao gồm cơ sở khám chữa bệnh là bệnh viện công lẫn tư nhân, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, lưu ý các cơ sở có yếu tố nước ngoài.

TP.HCM: kiểm tra đăng ký hành nghề cơ sở khám chữa bệnh đến hết năm - Ảnh 1.

Nhiều cơ sở khám chữa bệnh vi phạm hành nghề không đăng ký, không có chứng chỉ

DU YÊN

Bảng kiểm tra đăng ký hành nghề của Sở Y tế được thiết kế chi tiết, chặt chẽ hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh như chứng chỉ hành nghề giấy phép hoạt động và rất nhiều hồ sơ, giấy tờ liên quan.

Việc kiểm tra này bên cạnh hướng dẫn cơ sở khám chữa bệnh làm đúng thì Sở Y tế cũng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thời gian qua, Sở Y tế kiểm tra rất nhiều phòng khám, vi phạm thường gặp là người hành nghề không có đăng ký, hành nghề không có chứng chỉ hành nghề…

Ngày 8.4, Sở Y tế TP.HCM cho biết, trước tình hình dịch có ca bệnh cúm gia cầm Sở Y tế xây dựng phương án phòng chống cúm gia cầm trên địa bàn.

Trong khi đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng đưa ra khuyến cáo phòng chống dịch bệnh cúm trên người.

Theo HCDC, cúm là một bệnh truyền nhiễm lưu hành hằng năm trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở miền Nam, bệnh xuất hiện quanh năm, và có thể gây ra các vụ dịch nhỏ. Vi rút cúm có thể lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người qua giọt bắn hoặc qua đường không khí.

HCDC cho biết, biện pháp phòng bệnh chính vẫn là tiêm vắc xin cúm hằng năm để phòng lây nhiễm các vi rút cúm đang chiếm ưu thế. Ngoài ra, mỗi người cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với vật nuôi; ăn chín uống sôi, không sử dụng sản phẩm từ gia cầm bệnh, chết hoặc không rõ nguồn gốc; đối với người già và người có bệnh lý nền cần theo dõi sát sức khỏe bản thân, điều trị ổn định bệnh lý nền, nâng cao sức đề kháng để chống lại bệnh. Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết bất thường cần thông báo ngay cho cơ quan thú y địa phương để được xử lý đúng quy định.

Trong một diễn biến khác, Sở Y tế TP.HCM cũng vừa đã ban hành kế hoạch triển khai gói can thiệp thiết yếu về bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và chăm sóc sức khỏe tâm thần tại tuyến y tế cơ sở.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.