TP.HCM lấy ý kiến đổi tên quốc lộ 1, 1K, 22, 50

25/04/2024 12:44 GMT+7

4 tuyến quốc lộ qua 7 quận, huyện và TP.Thủ Đức (TP.HCM) dự kiến được đổi tên thành tên của các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Sở VH-TT TP.HCM vừa gửi văn bản đề nghị UBND TP.Thủ Đức, Q.8, Q.12, Q.Bình Tân và 3 huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi về việc triển khai lấy ý kiến người dân đối với phương án đặt tên các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh cho các tuyến đường trên địa bàn.

Cụ thể, có 4 đoạn quốc lộ đi qua TP.HCM được đề xuất đổi tên gồm quốc lộ 1, quốc lộ 1K, quốc lộ 22 và quốc lộ 50.

Trong đó, tuyến quốc lộ 1 có 3 đoạn được đề xuất đổi tên:

Đoạn 1 - từ nút giao Thủ Đức (ngã ba Trạm 2 cũ) đến nút giao An Sương (đi qua TP.Thủ Đức và Q.12) dài 21 km - dự kiến đặt tên Đỗ Mười.

Đoạn 2 - từ nút giao An Sương đến vòng xoay An Lạc (qua Q.12, H.Hóc Môn và Q.Bình Tân) dài 14,2 km - dự kiến đặt tên Lê Đức Anh.

Đoạn 3 - từ vòng xoay An Lạc đến ranh tỉnh Long An (Q.Bình Tân và H.Bình Chánh) dài 9,4 km - dự kiến đặt tên Lê Khả Phiêu.

TP.HCM lấy ý kiến đổi tên quốc lộ 1, 1K, 22, 50- Ảnh 1.

Quốc lộ 1 qua TP.HCM dự kiến đổi thành tên của các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

NHẬT THỊNH

Tuyến quốc lộ 1K đoạn từ quốc lộ 1 (TP.Thủ Đức) đến ranh tỉnh Bình Dương dài 1,8 km dự kiến đặt tên Hoàng Cầm.

Quốc lộ 22 có 2 đoạn được đề xuất đổi tên, gồm đoạn 1 - từ quốc lộ 1 đến cầu An Hạ (H.Hóc Môn và Q.12) dài 10 km - dự kiến đặt tên Lê Quang Đạo; còn đoạn 2 - từ cầu An Hạ đến ranh tỉnh Tây Ninh (H.Củ Chi) dài 20 km - dự kiến đặt tên Phan Văn Khải.

Quốc lộ 50 đoạn từ cầu Nhị Thiên Đường đến ranh tỉnh Long An (Q.8 và huyện Bình Chánh) dài gần 11 km dự kiến đặt tên Văn Tiến Dũng.

Sở VH-TT TP.HCM cho biết việc đặt tên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh cho các tuyến đường là hoạt động rất có ý nghĩa nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười (1917 - 2018) tên khai sinh là Nguyễn Duy Cống, tham gia cách mạng từ năm 19 tuổi, từng bị địch bắt và tù đày. Ông từng giữ các chức vụ Phó thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng), Tổng Bí thư từ tháng 6.1991 - tháng 12.1997.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (1931 - 2020) nhập ngũ năm 19 tuổi, có thời gian dài công tác trong quân đội, từng giữ chức Phó bí thư ban cán sự Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị... Ông Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư từ tháng 12.1997 - tháng 4.2001.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (1920 - 2019) tham gia quân đội năm 1945, từng giữ chức Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm tư lệnh cánh quân Tây Nam.

Khi đất nước hòa bình, ông từng giữ nhiều trọng trách như Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước từ tháng 9.1992 - tháng 4.2001.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (1933 - 2018) quê H.Củ Chi (TP.HCM), năm 1954 được tập kết ra Bắc. Năm 1976, ông làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch TP.HCM, rồi làm Chủ tịch UBND TP.HCM... Ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng từ tháng 9.1997 đến tháng 7.2006.

Các nhân vật khác được đề xuất đặt tên đường gồm nguyên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo (1921 - 1999); đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; thượng tướng Hoàng Cầm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.