2 CHỨC DANH "Ế" THÍ SINH ỨNG TUYỂN
Từ cuối năm 2022, TP.HCM bắt đầu thi tuyển 13 chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương tại 7 đơn vị. Đến nay, 6 đơn vị đã hoàn thành thi tuyển đối với 12 vị trí, riêng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chưa hoàn thành.
Cụ thể, Sở Y tế tổ chức thi tuyển chức danh Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, thu hút 25 thí sinh đủ điều kiện đăng ký. Đây là lần đầu tiên có mô hình giám đốc bệnh viện chuyên khoa không đòi hỏi trình độ phải có cùng chuyên khoa sâu của bệnh viện.
Tương tự, Sở GD-ĐT đã hoàn thành thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng của 3 trường THPT: An Nhơn Tây, Quang Trung và An Nghĩa. Trong khối sở ngành, Sở Công thương có số lượng chức danh thi tuyển nhiều nhất với 4 vị trí, gồm: Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn - môi trường, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp TP.HCM. Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đang tổ chức thi chức danh giám đốc Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế xã hội.
Ở khối chính quyền địa phương, UBND H.Hóc Môn hoàn thành thi tuyển chức danh 2 phó trưởng phòng (Phòng Quản lý đô thị và Phòng TN-MT), Q.1 tuyển được phó phòng quản lý đô thị, TP.Thủ Đức tuyển được trưởng phòng tư pháp.
Theo thống kê, có 2 chức danh không tổ chức thi tuyển vì số lượng thí sinh không đủ. Cụ thể, chức danh Giám đốc Trung tâm thể dục thể thao TP.Thủ Đức chỉ có 1 thí sinh đăng ký nên không tổ chức thi tuyển vì theo quy định phải có từ 2 thí sinh trở lên. Sau đó, Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức đã thống nhất và có văn bản báo cáo không tổ chức thi tuyển chức danh này. Còn chức danh Giám đốc Trung tâm hỗ trợ hội nhập quốc tế (thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) không có thí sinh đăng ký nên UBND TP.HCM chấp thuận mở rộng đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức ngoài phạm vi thành phố. Dù vậy, đến nay vẫn không có thí sinh nộp hồ sơ nên Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM không tổ chức thi tuyển chức danh này.
NGƯỜI TRÚNG TUYỂN TỰ TIN HƠN
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, đánh giá việc tổ chức thi tuyển đánh giá năng lực trước khi bổ nhiệm là việc rất cần thiết, bởi lẽ dù ứng cử viên trong đơn vị hay bên ngoài thì khâu sát hạch, kiểm tra kiến thức, năng lực cũng như chuẩn bị tâm thế nhận nhiệm vụ đều rất quan trọng. Thi tuyển là cơ hội để ứng cử viên hiểu rõ hơn, sâu hơn công việc của mình, bổ sung các giải pháp và chuẩn bị tâm thế tốt nhất trước khi nhận nhiệm vụ.
Đối với đơn vị, thi tuyển tạo sự cạnh tranh nhất định để công chức phấn đấu, đặt mục tiêu đảm nhiệm chức trách, nhiệm vụ quan trọng hơn, đồng thời giải quyết được bài toán về dư luận trước khi bổ nhiệm thông qua việc tổ chức thi tuyển công khai, dân chủ, công bằng.
Đối với 4 lãnh đạo cấp phòng được bổ nhiệm, Giám đốc Sở Công thương đánh giá những nhân sự này tiếp cận công việc nhanh hơn, tự tin hơn và trách nhiệm hơn do đã chuẩn bị tâm thế từ trước. Hiện việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp phòng theo kế hoạch thí điểm của UBND TP.HCM và cần đánh giá toàn diện hơn trước khi mở rộng. "Thi tuyển không phải là phương án duy nhất, mà chất lượng của công tác cán bộ đòi hỏi nhiều việc khác nữa, nhưng Sở Công thương thấy rằng nên mở rộng trong bổ nhiệm cán bộ", ông Vũ nêu đề xuất.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Bí thư Thành ủy Thủ Đức, cho biết thông qua thi tuyển trưởng phòng tư pháp, UBND TP.Thủ Đức đã tìm được một người giỏi chuyên môn, có trình độ tiến sĩ luật. Sắp tới, việc bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý của TP.Thủ Đức sẽ thực hiện theo phương án vừa sắp xếp vừa thi tuyển, trong đó phần lớn là thi tuyển để lựa chọn được nhân sự chất lượng, đáp ứng yêu cầu.
Bình luận về thi tuyển lãnh đạo, PGS-TS Võ Trí Hảo, nguyên Phó trưởng khoa Luật, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, phân tích: Bổ nhiệm cán bộ từ quy hoạch dựa theo tiêu chuẩn chính trị, bằng cấp, mà không phải công chức nào cũng có điều kiện đi học để có đủ chứng chỉ. Còn thi tuyển thì đặt tiêu chí về tài năng, năng lực chứ không nặng về lý lịch và các chứng chỉ có thể bồi dưỡng, bổ sung sau khi được bổ nhiệm. Mặt khác, cơ chế bổ nhiệm người tại chỗ thì câu chuyện quy hoạch cũng nặng nề.
Để thi tuyển thực chất, PGS-TS Võ Trí Hảo cho rằng phải trả lời được 3 câu hỏi: ai ra đề, ai chấm bài và đề bài là gì. "Nếu trình độ người ra đề, người chấm thi cũng tương đương trưởng phòng thì khó mà tuyển được người tài hơn mình. Sư phụ, sư huynh phải giỏi thì mới tuyển được đệ tử giỏi", ông Hảo nói. Song song đó, phải xác định được bài toán để tìm người tài. Ông cho rằng cần xác định bài toán của đất nước rồi xuống bài toán của tỉnh thành, quận huyện, phòng ban. Ai giải quyết được bài toán thì bổ nhiệm chứ không quan trọng bằng cấp.
PGS-TS Võ Trí Hảo đồng tình với việc mở rộng thi tuyển lãnh đạo cấp sở, cấp huyện, đồng thời lưu ý trình độ người ra đầu bài phải đủ tầm, quan tâm đến năng lực tập hợp.
Tránh dư luận "chưa thi đã biết người đậu"
Khi triển khai thi tuyển chức danh Phó trưởng phòng Quản lý đô thị thì nhiều cán bộ, công chức có tâm lý e ngại nên không có ai đăng ký. Sau đó, lãnh đạo quận động viên các bạn cứ tham gia thi. Mình xác định với nhau là khi thi thì chỉ có một người đậu, những người còn lại chưa đậu. Nhưng không vì kết quả đó mà đánh giá các bạn không có năng lực hay năng lực yếu, bởi vì chúng ta lựa chọn người tốt nhất trong những người tốt để bổ nhiệm. Sau khi động viên, có 8 người thi. Dù mới đầu không có ai.
Việc tổ chức thi tuyển công khai, minh bạch giúp các thí sinh cảm nhận được sự công tâm, khách quan để mỗi người đều cảm thấy mình có cơ hội. Ở bất kỳ cuộc thi nào cũng phải tránh dư luận "chưa thi đã biết người đậu". Tôi lưu ý các thành viên hội đồng thi rằng ai đủ điều kiện thi đều bình đẳng, ban tổ chức không được có bất kỳ biểu hiện ưu ái, thiên vị, không thích người này người kia. Sau khi bổ nhiệm, các bạn chưa trúng tuyển cũng không có ý kiến gì về tổ chức cuộc thi.
Dù lần đầu tổ chức thi hơi mất công mất sức nhưng tìm được người giỏi để bổ nhiệm thì cũng xứng đáng. Đối với một số chức danh nghiêng nhiều hơn về chuyên môn thì tổ chức thi tuyển để tìm người tốt nhất, giỏi nhất; còn chức danh không chỉ yêu cầu chuyên môn mà còn về chính trị thì cân nhắc.
Hiện điều kiện dự thi là những người trong quy hoạch cho chức danh đó hoặc tương đương nên vẫn còn gói gọn trong phạm vi hẹp. Nhiều khi những người bên ngoài hoặc người chưa được quy hoạch nhưng có chuyên môn cao lại không được thi. Vì vậy, thành phố nên mở rộng hơn đối tượng dự thi, không chỉ là người được quy hoạch mà còn những đơn vị khác, địa phương khác. Khi mở rộng ra thì mức độ cạnh tranh cao hơn, đơn vị có cơ hội tìm được người giỏi hơn.
Ông Lê Đức Thanh (Chủ tịch UBND Q.1, TP.HCM)
Xin chủ trương Ban Thường vụ Thành ủy thi tuyển cấp sở
UBND TP.HCM cho biết đã đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM xem xét, chấp thuận chủ trương tổ chức hội nghị tổng kết thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương trong tháng 6.2023 để đánh giá. Đồng thời, chấp thuận chủ trương tiếp tục thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở, cấp phòng và tương đương trong năm 2023.
Bình luận (0)