Buôn bán mỹ phẩm giả nhãn hàng hóa, sản xuất không phép
Theo đó, Công ty TNHH sản xuất dược - mỹ phẩm HIKACHI (H.Bình Chánh, TP.HCM) bị xử phạt 42,5 triệu đồng. Công ty này buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; sản xuất hàng hóa có nhãn không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa.
Ngoài xử phạt tiền, công ty bị buộc tiêu hủy hàng giả; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 19,2 triệu đồng do buôn bán hàng giả; buộc nộp lại 21 triệu đồng bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ đối với lô hàng ghi sai nhãn.
Thanh tra Sở Y tế xử phạt Công ty TNHH Elly Cuties (đường Nguyễn Văn Đậu, P.11, Q.Bình Thạnh) 150 triệu đồng. Nguyên nhân, Công ty TNHH Elly Cuties sản xuất mỹ phẩm khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; đưa sản phẩm mỹ phẩm ra lưu thông khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Bên cạnh đó, công ty này bị đình chỉ hoạt động sản xuất mỹ phẩm cho đến khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật nhưng không quá 24 tháng; buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm.
Một công ty ở Q.1 bị xử phạt 70 triệu đồng, vì kinh doanh mỹ phẩm có thành phần vượt quá giới hạn cho phép đối với chất có quy định giới hạn nồng độ, hàm lượng sử dụng theo quy định của pháp luật (sản phẩm sữa rửa tay dưỡng ẩm hương cam quế - chai 500ml, số lô: 004; NSX: 3.6.2023; HSD: 3.6.2026, không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn chất bảo quản Methylisothiazolinon (MIT)/Methylchloroisothiazolinon (MCT). Công ty bị buộc nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm mỹ phẩm.
Giả giấy tờ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược
Trong 15 trường hợp bị xử phạt lần này thì có đến 3 trường hợp giả mạo một trong các giấy tờ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược, mỗi người bị phạt 7,5 triệu đồng.
Ngoài ra, nhiều nhà thuốc vi phạm người chịu trách nhiệm chuyên môn nhà thuốc nhưng vắng mặt trong thời gian cơ sở hoạt động; không lưu giữ chứng từ, tài liệu có liên quan đến lô thuốc trong thời gian phải lưu giữ theo quy định của pháp luật; bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc; thuốc không có giấy phép lưu hành; hành nghề dược nhưng không có chứng chỉ hành nghề; mua bán thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.
Cá biệt có nhà thuốc ở Q.12 tự ý phá dỡ niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm đang bị niêm phong, tạm giữ. Một nhà thuốc ở Q.Phú Nhuận bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược sĩ trong thời hạn là 4,5 tháng…
Bình luận (0)