Chiều 7.11, Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội nghị đẩy mạnh sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM cho biết, hầu hết các cơ sở đã triển khai, chuyển dữ liệu thành công, đảm bảo tính chính xác ngày càng tăng.
Tính đến ngày 30.10.2024, các cơ sở tuyến thành phố đã gửi lên cổng giám định bảo hiểm y tế của BHXH Việt Nam là hơn 2,6 triệu hồ sơ; 236.311 hồ sơ tuyến Trung ương; 851.659 hồ sơ tuyến tỉnh; 1,55 triệu hồ sơ tuyến huyện và 27.534 hồ sơ tuyến xã.
Đã có hơn 1 triệu sổ sức khỏe điện tử của TP.HCM trên VNeID
Thông tin của Sở Y tế TP.HCM cho biết, tính đến ngày 6.11, đã có hơn 1 triệu sổ sức khỏe điện tử của TP.HCM được tích hợp trên ứng dụng VNeID; 58.455 giấy hẹn tái khám lại và 5.851 giấy chuyển tuyến tích hợp trên ứng dụng VNeID.
Bệnh viện Nhân dân 115 là 1 trong 3 bệnh viện đầu tiên của TP.HCM triển khai dữ liệu khám chữa bệnh để thực hiện sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID (cùng với Bệnh viện TP.Thủ Đức, Bệnh viện Y học cổ truyền). Bác sĩ Trần Văn Sóng, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho rằng việc triển khai sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID mang lại nhiều lợi ích cho người dân như giảm bớt thủ tục hành chính, thời gian chờ đợi, chi phí… Bên cạnh đó, nhân viên y tế cũng tiết kiệm thời gian thu thập thông tin lịch sử khám chữa bệnh của người bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị phù hợp, hiệu quả cho người bệnh.
Các bệnh viện đã nêu ra những khó khăn khi triển khai sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID. Nó khó thực hiện đối với người cao tuổi, người không dùng điện thoại thông minh, đặc biệt là trẻ em dưới 14 tuổi chưa được cấp thẻ căn cước, trẻ sơ sinh, trẻ chưa có khai sinh. Mặt khác, phải triển khai sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID ở nhiều tỉnh thành khác, không riêng ở TP.HCM. Vì phần lớn bệnh nhân của các bệnh viện là đến từ các tỉnh. Vì vậy, nếu mô hình này chỉ triển khai ở TP.HCM thì không mang lại hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, VNeID mức độ 2 là điều kiện tiên quyết để triển khai sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID, vì vậy cần truyền thông để người dân thực hiện.
Tại hội nghị, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM phát động đợt cao điểm 55 ngày đêm toàn ngành y tế TP.HCM triển khai hiệu quả số sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID.
Giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo mỗi bệnh viện và mỗi cơ sở trên địa bàn triển khai tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức khác nhau để người dân hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích của việc sử dụng sổ sức khỏe điện tử. Bên cạnh đó, nhân viên y tế cần được tập huấn để sẵn sàng hỗ trợ người dân trong việc cài đặt và sử dụng sổ sức khỏe điện tử.
Nỗ lực của Công an TP.HCM
Tại hội nghị, đại diện Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP.HCM nói về vai trò của ngành công an trong việc triển khai tài khoản định danh điện tử mức độ 2, tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào VNeID. Theo đó, Công an TP.HCM đã triển khai đồng bộ dữ liệu bảo hiểm y tế phục vụ triển khai thực hiện sổ sức khỏe điện tử.
Cụ thể, Công an TP.HCM đã đồng bộ thông tin số định danh cá nhân của người dân với thông tin của hơn 7,7 triệu thẻ bảo hiểm y tế còn hiệu lực trên địa bàn TP.HCM. Công an phối hợp BHXH TP.HCM làm sạch dữ liệu sai lệch giữa BHXH và dữ liệu dân cư. Hơn 14,7 triệu lượt sử dụng thẻ căn cước, tài khoản định danh điện tử để giải quyết đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Trong thời gian tới, Công an TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước, tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Bên cạnh đó, Công an TP.HCM sẽ tăng cường công tác làm sạch dữ liệu người giám hộ của trẻ dưới 14 tuổi nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai sổ sức khỏe điện tử…
Kết luận hội nghị, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao lợi ích của việc triển khai, thực hiện sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID trong thời gian qua.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đẩy mạnh sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM là một dấu ấn quan trọng trong công tác chuyển đổi số. Cán bộ chuyên trách cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, hướng đến TP.HCM là khu vực dẫn đầu, dẫn dắt chuyển đổi số trên toàn quốc.
Bình luận (0)