Sáng 14.7, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký ban hành kế hoạch thể chế hóa các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội.
Kế hoạch này ban hành sau khi Thành ủy TP.HCM có Chỉ thị 27 và HĐND TP.HCM vừa thông qua Nghị quyết số 18 ngay tại kỳ họp giữa năm từ 10-12.7.
Quyết định của UBND TP.HCM đặt ra yêu cầu cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, tiến độ thực hiện cho các sở ngành, doanh nghiệp trực thuộc và các quận huyện. Việc xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển và khả năng cân đối nguồn lực của nhà nước.
Kế hoạch cụ thể hóa các chính sách tương ứng với 7 lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP.HCM; và tổ chức bộ máy TP.Thủ Đức.
UBND TP.HCM phân công thành 2 nhóm nhiệm vụ cho các sở ngành, gồm 28 tờ trình phải trình HĐND TP.HCM thông qua và 25 nhiệm vụ trình UBND TP.HCM quyết định.
Đối với các nhiệm vụ trình UBND TP.HCM, trong tháng 7.2023 phải trình dự thảo nghị định của Chính phủ cụ thể hóa tổ chức thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội; quy chế thu và sử dụng tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bên cạnh đó, Sở Nội vụ cũng phải trình kế hoạch bổ sung phó chủ tịch HĐND TP.Thủ Đức, Phó chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và 3 huyện, phó chủ tịch cấp xã có dân số trên 50.000 người trong tháng 7.2023.
Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép các huyện ở TP.HCM được 3 phó chủ tịch UBND. TP.HCM có 5 huyện, trong đó 2 huyện loại 1 (Bình Chánh và Củ Chi) đã có 3 phó chủ tịch, và 3 huyện loại 2 (Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ) hiện chỉ có 2 phó chủ tịch. Riêng TP.Thủ Đức, Quốc hội cho phép được 4 phó chủ tịch UBND và 2 phó chủ tịch HĐND.
Đối với cấp xã, khảo sát của Sở Nội vụ cho thấy toàn thành phố có 48 xã, phường, thị trấn có trên 50.000 dân, các phường, xã này hiện chỉ có 2 phó chủ tịch UBND. Như vậy, sắp tới TP.HCM sẽ tăng thêm 4 phó chủ tịch UBND cấp huyện và 48 phó chủ tịch UBND cấp xã.
Trình đề án thí điểm mô hình TOD trong tháng 9.2023
Trong tháng 8.2023, Sở QH-KT phải trình quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, các chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật các dự án đầu tư công độc lập vùng phụ cận các nhà ga đường sắt đô thị và nút giao thông dọc tuyến Vành đai 3.
Trong tháng 8 cũng phải hoàn thành 4 nhiệm vụ khác, gồm: quy định tỷ lệ quy đổi, điều kiện bồi thường bằng đất khác mục đích đất thu hồi hoặc nhà ở; tiêu chuẩn đánh giá năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính của nhà đầu tư thực hiện dự án BOT; đề án thành lập Ban Đô thị HĐND TP.Thủ Đức và tăng 2-4% dự toán chi ngân sách cho 16 quận.
Trong tháng 9.2023 phải hoàn thành 10 tờ trình, như đề án lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái nhà trên tài sản công; phương thức đối tác công tư lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa; đề án thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD); danh sách đất do nhà nước quản lý và quyết định cấp giấy phép xây dựng có thời hạn các công trình công cộng: nhà, sân bãi để xe; nhà vệ sinh công cộng…
Lập Sở An toàn thực phẩm trong tháng 9.2023
Đối với các nhiệm vụ trình HĐND TP.HCM, trong tháng 7.2023 phải hoàn thành các tờ trình: bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm; thực hiện chương trình kích cầu đầu tư; chi thu nhập tăng thêm; thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha.
Các nội dung trình trong tháng 9.2023 gồm: thành lập Sở An toàn thực phẩm; định mức quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã; tổ chức bộ máy TP.Thủ Đức; các vấn đề liên quan đến dự án đối tác công tư; thu hút nhà đầu tư chiến lược; hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo…
Định kỳ trước ngày 15.11 hằng năm, các đơn vị phải báo cáo UBND TP.HCM kết quả thực hiện, tổ chức sơ kết 3 năm vào quý 4/2026 và tổng kết thực hiện nghị quyết vào quý 4/2028.
Bình luận (0)