Ngày 15.11, Sở Nội vụ TP.HCM tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý 2 dự thảo nghị quyết về thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt và tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao làm việc cho khu vực công lập.
THU NHẬP TỪ 30 - 100 TRIỆU ĐỒNG/THÁNG
Từ năm 2018, TP.HCM áp dụng chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt (gọi tắt là người tài) và đã thu hút được 5 chuyên gia cho Ban Quản lý Khu Công nghệ cao cùng 5 chuyên gia làm việc tại Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao. Theo đánh giá của Sở Nội vụ, chế độ, chính sách thu hút dù cao hơn so với mặt bằng chung nhưng chưa đủ sức hấp dẫn và giữ chân đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học. Hiện, TP.HCM tập trung thực hiện các cơ chế đột phá theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội nên cần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao bằng những ưu đãi vượt trội.
TP.HCM dự kiến tăng mức thu nhập đối với người tài lên 30 - 100 triệu đồng/tháng, mức khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực trí tuệ từ 1 - 5% tổng giá trị ngân sách đầu tư cho công trình khoa học, sản phẩm trí tuệ. Đồng thời, Sở Nội vụ mở rộng lĩnh vực, phạm vi thu hút cho UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Đặc biệt, TP.HCM cũng sẽ có cơ chế đãi ngộ cho cá nhân đã có sẵn các sản phẩm, công trình phù hợp với nhu cầu mà TP "đặt hàng".
Về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao, dự thảo nghị quyết kế thừa và phát triển các chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo Nghị định số 140/2017 của Chính phủ. Đồng thời, mở rộng phạm vi, đối tượng thu hút là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có năng lực đặc biệt, nổi trội, có nhiều thành tích và đóng góp lớn cho hệ thống chính trị.
TP.HCM sẽ có 5 nhóm chính sách đãi ngộ nhằm xây dựng mức thu nhập hấp dẫn và tạo điều kiện, môi trường công vụ tốt nhất. Về thu nhập hằng tháng, TP.HCM hỗ trợ từ 2 - 4 lần mức lương tối thiểu vùng, sinh viên mới ra trường có thể nhận khoảng 30 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó là chính sách khuyến khích, phát huy năng lực, hỗ trợ về nhà ở, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng làm việc. Đặc biệt, TP cũng ưu tiên xem xét quy hoạch, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực công tác.
TẠO MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC CHUYÊN NGHIỆP
Trao đổi tại hội thảo, các ý kiến đồng tình với việc nâng mức đãi ngộ để mời gọi người tài vào khu vực công, thậm chí trả thù lao tương đương với khu vực tư nhân để cạnh tranh. Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM, cho rằng bản chất thu hút người tài là thu hút "chất xám" chứ không chỉ dừng lại ở thu hút con người cụ thể. Do vậy, TP.HCM cần đa dạng phương thức thông qua đặt hàng, đấu thầu nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tạo nhiều bài toán để quy tụ đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước.
Đồng quan điểm, Phó giám đốc Sở VH-TT Nguyễn Thị Thanh Thúy nêu thực tế việc tuyển chọn người tài đang thực hiện theo quy trình chặt chẽ, nhưng những người đặc biệt không muốn nộp hồ sơ để hội đồng mổ xẻ, phân tích. Thực tế đó đòi hỏi quy trình tìm kiếm, tuyển chọn cần linh hoạt, thuận tiện hơn.
Trong khi đó, TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP.HCM, nêu thực tế các địa phương đều rất quan tâm đến việc thu hút người tài, sẵn sàng trả hàng trăm triệu đồng để mời gọi về. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đến làm việc được vài tháng rồi rời đi do môi trường công tác không phù hợp. "Tôi đi khảo sát ở ĐBSCL, khi mới thu hút về thì rất hồ hởi, nhiệt thành nhưng vài tháng sau họ nộp đơn xin nghỉ. Dù được động viên nhưng vài tháng sau họ bê nguyên chế độ đãi ngộ, thậm chí là tiền lương đã nhận trả lại cho đơn vị để tìm nơi làm việc mới", TS Hiền nói và nhấn mạnh cần thiết phải lập môi trường, văn hóa làm việc chuyên nghiệp.
Về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết cơ chế tuyển chọn, môi trường làm việc để phát huy năng lực người tài, giữ chân nhân lực chất lượng cao sẽ được Sở Nội vụ tiếp thu, hoàn thiện trình UBND TP.HCM ban hành quy định chi tiết. Đối với việc áp dụng đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ, dự thảo nghị quyết có điều khoản mở rộng áp dụng đối với cá nhân có sẵn công trình, đề án đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện mà TP đặt hàng. Các tác giả sẽ được chi trả thù lao bằng với mức khuyến khích cho sản phẩm đầu ra đối với chuyên gia, nhà khoa học đã thu hút. Ông Nhân nhìn nhận dự thảo đã mở ra cơ chế đãi ngộ tốt cho nhân sự tại chỗ, góp phần giải quyết tình trạng "chảy máu chất xám" từ khu vực công.
Bình luận (0)