(TNO) Ngày 24.12, tại buổi làm việc với Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM và các đơn vị liên quan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà yêu cầu phải đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ 'không đào mở' trong sửa chữa cống thoát nước để đảm bảo mỹ quan đô thị, tránh gây cản trở giao thông, hoạt động buôn bán của người dân…
Việc đào mở khiến trên đường phố ở TP.HCM xuất hiện nhiều "lô cốt" - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Theo đó, Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố và các đơn vị liên quan bước đầu khẩn trương thực hiện dự án thử nghiệm ứng dụng công nghệ “không đào mở” trong sửa chữa cống thoát nước với quy mô trình diễn công nghệ, kinh phí thực hiện gần 4 tỉ đồng.
Theo Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM Nguyễn Kỳ Phùng với phương pháp truyền thống, việc sửa chữa hay thay thế các đường cống thoát nước (kể cả cấp nước) thường được thực hiện bằng cách đào mở bề mặt phía trên. Phương pháp này đòi hỏi mất nhiều thời gian, tạo ra những cản trở cho hoạt động giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, rủi ro an toàn cho cộng đồng và mỹ quan đô thị.
Ngoài ra, với đặc điểm địa chất và hệ thống các công trình ngầm hạ tầng khác dày đặc xung quanh các đường cống của thành phố, phương pháp đào mở còn gây ra những hố sụt rất nguy hiểm.
Do đó, công nghệ “đào không mở” giúp việc thi công sửa chữa hay thay thế đường cống được sử dụng ngầm dưới đất nhờ sử dụng thiết bị, phương tiện và vật liệu tiên tiến; thời gian thực hiện được rút ngắn đáng kể. Kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước, đa số các thành phố lớn trên thế giới và khu vực Đông Nam Á đã sử dụng công nghệ này.
Công nghệ “không đào mở” mà thành phố chọn thử nghiệm có khả năng sửa chữa đường cống có đường kính lớn hơn 1,2 m.
Bình luận (0)