Sở GTVT TP.HCM vừa đề nghị UBND TP.Thủ Đức, quận, huyện trên địa bàn TP.HCM rà soát, cung cấp danh mục các tuyến đường có lòng đường, vỉa hè đủ điều kiện tổ chức hoạt động khác ngoài mục đích giao thông để phục vụ xây dựng đề án “Thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố”.
Theo đề án của Sở GTVT TP.HCM, điều kiện sử dụng tạm thời một phần vỉa hè vào mục đích khác phải đảm bảo dành ít nhất 1,5 m cho người đi bộ, nếu vỉa hè hiện hữu không đảm bảo chiều rộng thì phải có lộ trình thay thế tạm thời, đảm bảo an toàn cho người đi bộ. Cá nhân, tổ chức sử dụng tạm thời một phần vỉa hè phải đóng phí trong 7 trường hợp, gồm: điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền sử dụng; điểm lắp đặt các công trình tạm, các trụ quảng cáo tạm; tổ chức hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội); điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; điểm trông, giữ xe có thu phí.
Đối với lòng đường, điều kiện sử dụng tạm thời phải bảo đảm phần lòng đường còn lại có bề rộng bố trí tối thiểu 2 làn ô tô cho một chiều đi và không áp dụng trên một số tuyến đường đặc thù do UBND TP.HCM quyết định. 3 trường hợp sử dụng tạm thời một phần lòng đường phải đóng phí, gồm: tổ chức hoạt động văn hóa và trông, giữ xe ô tô phục vụ hoạt động văn hóa có thu tiền sử dụng; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí điểm trông, giữ xe có thu phí.
Dự thảo quyết định chưa nêu mức phí cụ thể mà giao Sở GTVT phối hợp Sở Tài chính cùng các đơn vị liên quan xây dựng mức phí báo cáo UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM xem xét, quyết định.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Trần Quang Thắng, đại biểu HĐND TP.HCM, cho rằng việc chính quyền làm đẹp đường phố rồi sau đó tổ chức thu phí sử dụng ở vị trí phù hợp để thu hồi một phần kinh phí đầu tư công trình khác là hợp lý. Tuy nhiên, không phải tuyến đường nào cũng có thể thu phí mà nên triển khai trước ở các tuyến đường có nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ. Các tuyến đường nông thôn hoặc chỉ đơn thuần là đường giao thông thì mức phí thấp hơn hoặc không thu phí.
Về mức phí cụ thể, TS Thắng cho rằng chính quyền cần tổ chức điều tra xã hội học để lắng nghe người dân, doanh nghiệp để đưa ra con số có thể chấp nhận được. Khi tổ chức thu phí thì phải giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Bình luận (0)