TP.HCM trình 3 kiến nghị chiến lược tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

17/08/2024 16:08 GMT+7

Thành ủy TP.HCM kiến nghị Trung ương xem xét 3 vấn đề liên quan đến 3 đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.

Trong buổi làm việc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chiều 17.8, Thành ủy TP.HCM nêu 3 kiến nghị lớn để địa phương tiếp tục giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế, đóng góp nhiều hơn cho vùng Đông Nam bộ và cho cả nước.

Theo Thành ủy TP.HCM, địa phương nằm ở vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á, cửa ngõ giao lưu quốc tế.

Vùng TP.HCM gồm 8 tỉnh: TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang. Dù được quy hoạch vai trò trung tâm của một vùng với khoảng trên 30 triệu người vào năm 2030 nhưng trong nhiều năm qua, TP.HCM chưa phát huy được vị trí, vai trò trong liên kết vùng.

TP.HCM trình 3 kiến nghị chiến lược tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm- Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Bí thư Thành ủy TP.HCM chủ trì buổi làm việc

HOÀNG HÙNG

Lý do, cơ chế, chính sách liên kết vùng chưa được hình thành đồng bộ, đầy đủ, nhất là trong huy động nguồn lực cho các dự án quy mô vùng. Khuôn khổ thể chế cho hợp tác, liên kết vùng chưa hoàn thiện, chưa tạo hình thức và động cơ để các địa phương trong vùng chủ động, năng động, sáng tạo trong các hoạt động phát triển vùng.

Bộ máy điều phối vùng chưa hiệu lực, hiệu quả. Hệ thống thể chế Việt Nam được thiết kế với tư duy quản lý theo địa giới hành chính với tầm nhìn của từng ngành. Các quy định được thiết kế, vận hành chung cho cả nước, rất hạn chế những thiết kế có tính đến điều kiện, đặc điểm riêng của từng vùng.

Điều này dẫn đến sự bất cập, không đồng bộ của các quy định pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản đã ảnh hưởng đến việc thu hút, triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm trên địa bàn vùng.

TP.HCM trình 3 kiến nghị chiến lược tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm- Ảnh 2.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc

HOÀNG HÙNG

Việc phân cấp, phân quyền chưa thực sự gắn với năng lực và điều kiện tạo thực tiễn cho từng địa phương. Đồng thời, thiếu khuôn khổ thể chế để huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, quy mô lớn của vùng trong khi phân bổ nguồn lực ngân sách hạn chế và thiếu trọng tâm. Một số thể chế quản lý tạo ra sự chèn lấn vai trò giữa Trung ương và TP.HCM.

Các cơ sở dữ liệu thông tin quản lý buộc phải tập trung đầu mối và theo những chuẩn thiết kế của Trung ương trong khi thành phố lại có những đặc thù và những yêu cầu riêng… Mặt khác, giới hạn trong các khuôn khổ thể chế cũng tạo ra sự cạnh tranh giữa các địa phương trong việc xin - cho các cơ chế, chính sách đặc thù.

TP.HCM trình 3 kiến nghị chiến lược tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm- Ảnh 3.

Toàn cảnh buổi làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Thành ủy TP.HCM

HOÀNG HÙNG

Thành ủy TP.HCM cho rằng từ thực tiễn thể chế của thành phố, cần có sự đổi mới mang tính đột phá nhằm khắc phục những di sản của cơ chế kế hoạch hóa tập trung trong nền hành chính, xóa bỏ cơ sở pháp lý của cơ chế xin - cho.

Do đó, Thành ủy TP.HCM kiến nghị 3 vấn đề đến đoàn công tác của Trung ương Đảng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm trưởng đoàn.

Về thể chế, TP.HCM kiến nghị Trung ương xem xét, cho phép xây dựng luật Quản lý và phát triển đô thị đặc biệt.

Về kết cấu hạ tầng, TP.HCM kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng cấp quốc gia và cấp vùng trên địa bàn.

Về nguồn nhân lực, TP.HCM kiến nghị cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực từ mọi nơi bằng xây dựng các cụm ngành kinh tế về dịch vụ, thương mại, đổi mới sáng tạo của các vùng. Việc phát triển đô thị và khu công nghiệp tại TP.HCM cần đặt trong bối cảnh vùng để có lợi thế cạnh tranh, đó là chất lượng nhân lực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và khả năng tiếp cận hạ tầng logistics chiến lược.

Công an TP.HCM đón nhận danh hiệu Anh hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.