TP.HCM trước nguy cơ bị phạt 2,5 tỉ đồng/ngày

31/10/2013 09:00 GMT+7

Chậm bàn giao mặt bằng dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, TP.HCM đang đứng trước nguy cơ phải bồi thường cho nhà thầu 2,5 tỉ đồng mỗi ngày.

Chậm bàn giao mặt bằng dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, TP.HCM đang đứng trước nguy cơ phải bồi thường cho nhà thầu 2,5 tỉ đồng mỗi ngày.

TP.HCM trước nguy cơ bị phạt 2,5 tỉ đồng/ngày
Nhà thầu đang thi công gói thầu số 2, tuyến metro số 1 - Ảnh: Mai Vọng

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 có tổng chiều dài 19,7 km, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao. Dự án có 4 gói thầu chính, bao gồm: Gói số 1a (xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành đến Nhà hát TP); gói thầu 1b (xây dựng đoạn ngầm từ Nhà hát TP đến ga Ba Son); gói thầu số 2 (xây dựng đoạn trên cao và depot) và gói thầu số 3 (cung cấp thiết bị cơ điện, đường ray, toa xe). Trong đó, gói thầu số 2 đang được liên danh nhà thầu Sumitomo (Nhật Bản) - Cienco 6 (VN) thi công từ tháng 4.2013, tiến độ thi công đúng kế hoạch của gói thầu nhưng lại vướng một số vị trí chưa giải phóng mặt bằng. Gói thầu số 3 cũng đã ký hợp đồng với nhà thầu Hitachi vào ngày 11.6.2013 và đang thực hiện các thủ tục để triển khai hợp đồng, bắt đầu thực hiện công tác thiết kế, chế tạo, thời gian thực hiện hợp đồng là 56 tháng.

 

Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng, tích cực đàm phán với các nhà thầu để họ thông cảm, giảm số tiền phạt đến mức thấp nhất có thể. Tuy nhiên, tôi cũng chưa thể nói trước được kết quả bởi vì nhà thầu nước ngoài họ làm việc rất nguyên tắc, chỉ căn cứ trên hợp đồng, như trường hợp cầu Nhật Tân ở Hà Nội

Ông Dương Hữu Hòa, Phó giám đốc dự án tuyến metro số 1

Khó tránh bị phạt

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP, việc chậm bàn giao mặt bằng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thi công gói thầu số 2 mà còn phát sinh nhiều chi phí cho tư vấn và chi phí phát sinh cho nhà thầu, đặc biệt là nguy cơ mất tiền phạt rất lớn.

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 30.10, ông Dương Hữu Hòa, Phó giám đốc dự án tuyến metro số 1, cho biết đến thời điểm này, trên địa bàn Q.Thủ Đức vẫn còn 60 hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng, trên địa bàn H.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) còn 4 tổ chức và 1 hộ dân. Theo chỉ đạo mới nhất của ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP, các sở, ngành có trách nhiệm tích cực hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với UBND Q.Thủ Đức, UBND H.Dĩ An tìm mọi biện pháp để hạn chót phải dứt điểm giải phóng và bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công là cuối năm 2013. Trong khi đó, theo đúng hợp đồng đã ký kết giữa TP và các nhà thầu thì từ ngày 30.9.2013, nếu không bàn giao đủ mặt bằng đúng hạn TP sẽ phải bồi thường cho các nhà thầu số tiền tương đương 2,5 tỉ đồng/ngày. “Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng, tích cực đàm phán với các nhà thầu để họ thông cảm, giảm số tiền phạt đến mức thấp nhất có thể. Tuy nhiên, tôi cũng chưa thể nói trước được kết quả bởi nhà thầu nước ngoài họ làm việc rất nguyên tắc, chỉ căn cứ trên hợp đồng, như trường hợp cầu Nhật Tân ở Hà Nội”, ông Hòa nói.

Trong một động thái khác, ngày 30.10, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết liên quan đến tiến độ bàn giao mặt bằng dự án metro số 1, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã chủ trì cuộc họp với các sở ngành, đơn vị liên quan ở TP và UBND thị xã Dĩ An (Bình Dương). Tại cuộc họp, ông Tín yêu cầu các sở ngành liên quan, Chủ tịch UBND Q.Thủ Đức; đồng thời đề nghị UBND thị xã Dĩ An tập trung chỉ đạo khẩn trương, nỗ lực, quyết liệt hơn nữa để giải quyết dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định đối với các trường hợp còn lại, nhằm nhanh chóng bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu tiếp tục triển khai thi công kịp tiến độ. “Việc TP phải chịu phạt, vừa gây tổn thất cho ngân sách nhà nước, vừa làm mất uy tín của TP với nhà tài trợ và nhà thầu nước ngoài, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP và khu vực”, Văn phòng UBND TP nhìn nhận.

8 lần xin gia hạn

Là 1 trong 6 tuyến metro tại TP.HCM, tuyến metro số 1 đi theo các tuyến đường và khu vực: Lê Lợi - Ba Son - rạch Văn Thánh - công viên Văn Thánh - cầu Sài Gòn - xa lộ Hà Nội. Dự án được Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JIBIC) hỗ trợ nghiên cứu và cho vay vốn ODA, với tổng vốn đầu tư tương đương 47.000 tỉ đồng. Tại buổi giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP ngày 18.10.2013 về các dự án metro TP.HCM, ông Nguyễn Đô Lương, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP, cho biết Ban Quản lý đã phải 8 lần xin gia hạn thời điểm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. “Vì vậy, ông Lương đề nghị sau này các dự án sử dụng vốn ODA phải có toàn bộ mặt bằng rồi mới tiến hành thi công nhằm tránh tình trạng bồi thường hợp đồng như trên”, ông Lương kiến nghị.

Liên quan đến gói thầu này, trước đây Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân từng chỉ đạo chậm nhất cuối năm 2012 các quận, huyện phải bàn giao đủ mặt bằng cho nhà thầu. Thế nhưng, đến nay đã trễ hơn 1 năm mà tiến độ giải phóng mặt bằng vẫn ì ạch.

Mai Vọng - Đình Mười - Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.