Tuyển gấp!
Trung tâm GTVL các KCX - KCN (thuộc Ban quản lý các KCX-KCN TP - Hepza), đang có những đơn hàng tuyển dụng lên đến hàng nghìn LĐ. Ngành tuyển dụng cũng hết sức đa dạng: 1.500 công nhân lắp ráp điện tử, làm việc tại KCX Tân Thuận và KXC Linh Trung; 4.000 công nhân giày da làm việc tại KCX Linh Trung I, II; 5.000 công nhân dệt may làm việc tại KCX Tân Thuận và Linh Trung; 1.000 LĐPT làm việc tại KCN Tân Bình, KCX Linh Trung I, II... Mức thu nhập của những vị trí này dao động từ 1,7 - 2,9 triệu đồng/người/tháng.
Khảo sát tại một số KCX - KCN có thể thấy, "Câu lạc bộ một nghìn" đang xuất hiện ngày một nhiều: Triumph International VN tuyển 1.000 công nhân may, Cty May mặc Kollan&Hugo Knit tuyển 2.000 công nhân may, Cty Nidec VN Corporation tại Khu công nghệ cao tuyển gấp 1.000 LĐPT...
Ngay những ngành gặp nhiều khó khăn từ cuối năm 2008 như dệt may, da giày, điện tử cũng sốt sắng nhảy vào thị trường tuyển dụng. Tại KCN Tân Bình, một Cty ngành dệt may đã đứng ra thu hút lao động cho xí nghiệp "con" sản xuất sợi đặt tận quận 4.
Trong thời điểm nhiều DN ồ ạt cắt giảm nhân công, hàng nghìn NLĐ đã phải mướt mồ hôi săn việc thì giờ đây, đến lượt nhà tuyển dụng phải ra sức "tiếp thị" bản thân để có đủ LĐ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Nóng dần theo nhu cầu tuyển dụng, các Cty cũng "kê khai" chi tiết mức đãi ngộ và thu nhập dành cho NLĐ. Theo đó, ngay trong thời gian học việc NLĐ có thu nhập từ 1,2 - 1,9 triệu đồng/tháng bao gồm tiền lương, tiền ăn, phụ cấp đêm, bồi dưỡng hiện vật.
Sau khi học việc hai tháng nếu đạt yêu cầu sẽ có thu nhập bình quân 1,9 triệu đồng/tháng, có Cty còn "phá trần" với mức thu nhập lên đến trên 3 triệu đồng/tháng. Đồng thời hưởng đầy đủ chế độ BHYT, BHXH, BHTN, thưởng, nghỉ mát, lương tháng 13. Chưa hết, DN còn bố trí nhà lưu trú cho công nhân được ký hợp đồng chính thức. Điều kiện tuyển dụng cũng được đơn giản hóa. Có nơi chỉ cần một bản photocopy giấy chứng minh nhân dân có công chứng và 3 tấm hình 3x4. Hay như Cty Nidec Sankyo (thuộc Nidec Corporation) còn giảm trình độ đầu vào xuống lớp 7, thấp hơn một lớp so với điều kiện của Cty mẹ.
Điều này đồng nghĩa với việc công nhân sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Chị Nguyễn Hồng Nga đang làm việc tại KCX Tân Thuận, đang tranh thủ sau giờ làm việc lại đi tìm việc ở Cty khác. Chị Nga nói: "Cty em đang làm lương tương đối, nhưng công việc nặng nhọc, không phù hợp với em. Nhân lúc nhiều nơi tuyển thêm người, em sẽ chọn được chỗ làm việc mới hợp với mình hơn".
Cắt dễ, tuyển không dễ
Đây là điều đã được nhiều chuyên gia LĐ cảnh báo từ khi thị trường LĐ đi xuống theo khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Những năm trước, thời điểm "nóng" của thị trường lao động thường là sau Tết Nguyên đán. Còn hiện nay, rất nhiều LĐ mất việc các tỉnh, thành khác đã trở về quê và chưa trở lại TPHCM. Do đó, không ít DN tại các KCX, KCN đang "khát" lao động.
Trong buổi giao ban giữa phòng LĐTBXH các quận, huyện tại Sở LĐTBXH ngày 5.4, báo cáo của các địa phương cho thấy: Tình hình lao động đầu quý II có nhiều tín hiệu vui. Ông Nguyễn Văn Xê - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH - nhận định: "Chưa thể khẳng định khủng hoảng đã qua, nhưng nhiều DN đã có đơn hàng mới và tuyển dụng lại LĐ với số lượng lớn. Có thể thấy, thị trường LĐ đang ấm dần lên".
Nhưng kèm theo đó là nỗi lo không tuyển được người của các DN. Bà Đoàn Thị Thu Hà - Trưởng phòng Lao động - Tiền lương thuộc Hepza - băn khoăn: "Có DN đăng tuyển một nghìn công nhân từ tháng 3, nhưng đến giờ vẫn chưa thể tuyển đủ".
Phụ trách nhân sự Cty Nidec cho biết: "Cty đã treo băngrôn ở nhiều nơi và đăng ký tuyển dụng tại Cty nguồn nhân lực Mai Anh từ giữa tháng tư đến nay, nhưng mới tuyển được gần 100 người. Mặc dù các điều kiện đãi ngộ đầy đủ, có chỗ lưu trú cho công nhân".
Theo Đăng Hải - Vinh Hải / Lao Động
Bình luận (0)