Trà đầu tư... giá 'đắng'

09/01/2024 08:44 GMT+7

Nhiều người đang uống trà không chọn theo hương vị, vùng trà, giống trà, phong cách nhà sản xuất… mà uống theo giá, và tin hễ trà đắt giá, ắt phải chuẩn. Khái niệm trà đầu tư, trà nghệ nhân có giá trên mây phục vụ nhu cầu ấy lần lượt ra đời, chung hương vị rất "đắng"!

Bên cạnh các cơn sốt đầu tư về bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, vàng…; hiện trà cũng là mục tiêu để thương buôn thời vụ đẩy ra thị trường các khái niệm: trà đầu tư, trà tài chính, trà cực hiếm… nhằm lùa người mới chơi trà xuống tiền mua sản phẩm.

Đầu tháng 12.2023, giới sưu tầm trà Phổ Nhĩ chuyền nhau thông tin Công ty TNHH trà Xương Thế (Chang Shi) tại chợ trà Phương Thôn (Fang Cun) thuộc Quảng Châu (Trung Quốc) kinh doanh trà đầu tư, gom được hơn 500 triệu NDT (khoảng 1.720 tỉ đồng) rồi tạm ngưng hoạt động khiến các nhà đầu tư trà náo loạn. Câu chuyện đầu cơ trà, tìm chiêu thổi giá lên nóc không xa lạ trong môn chơi này, nhưng sự kiện Xương Thế hẳn là bài học để người chơi trà lưu tâm, cẩn trọng hơn với những mỹ từ trà đầu tư, trà quản lý tài chính, trà khan hiếm…; tránh biến mình thành mồi ngon cho thương lái lưu manh xẻ thịt.

Trà đầu tư... giá 'đắng'- Ảnh 1.

Người đầu tư trà đến Công ty Xương Thế (Quảng Châu, Trung Quốc) căng biểu ngữ đòi lại tiền

CHỤP MÀN HÌNH

Sự kiện Xương Thế

Ở thị trường Phương Thôn, Công ty TNHH trà Xương Thế kinh doanh trà Phổ Nhĩ, bằng chiêu xây dựng câu chuyện tạo độ khan hiếm cho sản phẩm, sau đó cam kết (không bằng văn bản) thu mua lại với giá cao, gọi đó là trà đầu tư, trà quản lý tài chính. Bốn sản phẩm tung ra thị trường đều là Phổ Nhĩ, gồm thùng trà 7 bánh, mỗi bánh trọng lượng 357 g, bán giá khởi điểm 30.000 NDT (khoảng 102 triệu đồng). Chưa đầy 2 tháng sau, người mua sang tay lên được mức giá hơn 70.000 NDT (khoảng 238 triệu đồng).

Trà đầu tư... giá 'đắng'- Ảnh 2.

Trà lên men, một trong những sản phẩm được các trà sư - nghệ nhân dùng… lùa người uống trà bằng giá, bằng tai

LAM PHONG

Trong môn chơi trà lên men, khi để qua mỗi năm, giá thường được cộng thêm từ 15 - 20% so với giá trị ban đầu. Xương Thế dùng chiêu đẩy giá chỉ trong 2 tháng lợi nhuận hơn 120% so với giá gốc khiến nhiều nhà đầu tư ham lợi đã mắc bẫy.

PV Thanh Niên tìm hiểu thông tin về sản phẩm trà, nguồn gốc xuất xứ, đơn vị sản xuất… của Xương Thế nhưng chỉ thấy chung chung là trà cổ thụ. Cách lấy lòng tin của người tiêu dùng là Xương Thế mời các nhân vật nổi tiếng hoặc người có tầm ảnh hưởng nói về sản phẩm, tổ chức triển lãm quy mô lớn, hoành tráng ở địa điểm sang trọng làm hình ảnh, xây dựng thương hiệu.

Trà đầu tư... giá 'đắng'- Ảnh 3.

Một số sản phẩm “trà nghệ” ép khuôn bày bán ở chợ trà Phương Thôn

LAM PHONG

Trà đầu tư của Xương Thế tạo sốt trên thị trường Phương Thôn, và liền sau 4 sản phẩm ban đầu, Xương Thế bán ra sản phẩm thứ 5 với mức giá 50.000 NDT (khoảng 170 triệu đồng) cho 7 bánh trà 357 g. Sau thời gian ngắn gom vốn lớn từ việc bán trà, Xương Thế ngừng cung cấp sản phẩm và cũng tạm dừng giao dịch mua lại sản phẩm, khiến giá trà giảm xuống đáy, chỉ còn 2.000 - 3.000 NDT (khoảng 6,8 - 10,2 triệu đồng). Giấc mộng trà đầu tư, trà tài chính, đầu cơ trà, sau một đêm biến tiền của nhiều nhà đầu tư bốc hơi. Trụ sở công ty ở Phương Thôn im ỉm đóng, bên ngoài dán thông báo trên khổ giấy A4 ghi ngày 4.12.2023, nội dung mọi khiếu nại thắc mắc về trà được chuyển địa điểm qua số 7, tầng 2 đường Hưng Đông, khu Lệ Loan ở phía tây Quảng Châu, cách đó gần 7 km bên kia sông Châu Giang.

Đông đảo trong số hơn 500 công ty trà và thương buôn đầu tư trà Xương Thế khi hay tin đã tìm đến công ty đòi trả lại tiền và báo cáo chính quyền, mức "thiệt hại" thống kê lên đến hơn 500 triệu NDT. Cảnh sát đến giữ trật tự trước đám đông, còn vụ việc không thấy bị xử lý bởi mua bán giữa hai bên là giao dịch tự do, không hợp đồng, không văn bản, chỉ thỏa thuận miệng (thuận mua vừa bán) nên chưa đủ điều kiện khởi tố.

Chiêu phép đẩy giá

Việt Nam từng có nhiều sản phẩm được đẩy giá cao hơn rất nhiều so với giá trị thực, ví dụ như gỗ huỳnh đàn, gỗ trắc, rồi lan đột biến. Gần đây, trà cổ thụ cũng đang được thương buôn tích cực hét giá từ mức trên trăm triệu cho đến tiền tỉ mà tính trọng lượng chưa đạt 1 kg.

Trà đầu tư... giá 'đắng'- Ảnh 4.

Vặt lại búp tôm (từ nguyên liệu một tôm hai ba lá) đem chế biến bạch trà Tây Côn Lĩnh ở Hà Giang

LAM PHONG

Kịch bản đẩy giá trà cổ thụ, đầu tiên là tạo độ khan hiếm bằng cách xây dựng câu chuyện về vùng nguyên liệu, về loại trà, nào là trà ở rừng sâu, trà bạch tạng, trà ngàn năm tuổi… Chuyện một ký bạch trà Hoàng Liên Sơn được tâng giá 680 triệu đồng là một ví dụ.

Tiếp đến là xây dựng nhân vật, tự gọi trà sư, nghệ nhân, hoang mang hơn nữa là nghệ sư, giảng sư trà. Sản phẩm trà các "loạn sư" này thường mua lại từ nguồn trong dân, từ các nhà sản xuất khác, gom về dùng chiêu phép đấu trộn hoặc tẩm ướp, để ra thứ trà không giống ai, đặt cho cái tên, thiết kế bao bì, mở lớp trà với giá trung bình từ 1 - 5 triệu đồng cho mỗi đợt, vậy là đủ khả năng bán trà với giá "trên trời"!

Chưa bao giờ nghệ nhân, trà sư, nghệ sư, giảng sư ngành trà nở rộ như bây giờ. Chỉ cần mở ra cái tiệm, thoắt cái đã xưng danh trà sư hoặc nghệ nhân, nghệ sư, kèm khẩu ngữ mỹ miều: Vinh danh trà Việt; Lan tỏa giá trị văn hóa Việt; Kết nối cộng đồng… Kỳ thực đằng sau vỏ bọc ấy, vẫn là đẩy sản phẩm vào cộng đồng trà với giá cắt cổ. Trong khi nhà sản xuất thực của phẩm trà ấy và chủ nhân vùng trà trên núi cao, bị ép sát giá và thông tin giấu nhẹm.

Trà đầu tư... giá 'đắng'- Ảnh 5.

Người H’mông, chủ nhân những cây trà cổ thụ ở bản Ngài Là Thầu, dưới đỉnh Tây Côn Lĩnh (Hà Giang)

LAM PHONG

Một chiêu đẩy giá khác là dùng người nổi tiếng, có chuyên môn ở lĩnh vực nào đó khác chứ không phải trong lĩnh vực trà để nói về trà, ca ngợi chủ tiệm (nghệ nhân hoặc các trà sư tự phong). Điểm qua có thể thấy đội hình đông đảo này rất đa dạng, từ giáo sư, tiến sĩ, quan chức, thương nhân, cho đến cả giang hồ mạng… được "nghệ nhân - nghệ sư" mời đến uống trà, tặng trà, ghi lại vài lời khen, nhờ thế "loạn sư" trà kiếm được bộn tiền từ những người nhẹ dạ, trà bán cứ ảo giá là vậy.

Nhìn lại các lớp trà tự phát, các bài chém gió về trà, có thể thấy trà được "mông má" câu chuyện nhằm đẩy giá ngoại hạng, thường không cụ thể vùng nguyên liệu, không rõ nhà máy sản xuất, càng không có thông tin quy trình sản xuất ra sao như ai làm; kinh nghiệm đến đâu; phẩm trà uống có gì đặc biệt?

Nhìn lại các lớp trà tự phát, các bài chém gió về trà, có thể thấy trà được "mông má" câu chuyện nhằm đẩy giá ngoại hạng, thường không cụ thể vùng nguyên liệu, không rõ nhà máy sản xuất, càng không có thông tin quy trình sản xuất ra sao như ai làm; kinh nghiệm đến đâu; phẩm trà uống có gì đặc biệt? Uống trà bằng giá, bằng tai… vẫn thế mà tồn tại. Để thương buôn trà kiếm lợi nhanh hơn, các chiêu: trà đầu tư, trà tài chính, trà nghệ nhân, huy động vốn đổi lấy trà… cũng bắt đầu nhen nhóm. Người tiêu dùng cần cẩn trọng, tránh bẫy lừa đảo tài chính tựa bài học Xương Thế ở Phương Thôn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.