Trả giá cho ảo giác Tự hủy hoại bản thân

Ma túy đá gây tác hại trực tiếp không chỉ cho chính bản thân người sử dụng nó, mà còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Một trong những con đường dẫn giới trẻ dính với ma túy đá, đại tá Hồ Tự Sang, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47), Công an TP.HCM nhìn nhận: Mới đầu là tập tành hút shisha, sau đó đến sử dụng thuốc lắc, rồi đến ma túy đá. Địa điểm giới trẻ thường sử dụng là ở các quán bar, vũ trường.

Ông Sang cũng lo lắng: “Hiện nay thuốc phiện truyền thống không còn nữa, heroin im ắng hơn lúc trước, giờ toàn là ma túy đá, cực kỳ nguy hiểm vì gây ảo giác, loạn thần. Ma túy đá được sản xuất từ các hóa chất độc hại, đó là chưa nói đến ma túy đá giả”.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết thêm: “Hiện ma túy đá từ Trung Quốc đưa về VN tiêu thụ với giá cực rẻ so với trước đây nhưng cực độc. Có thể nói ma túy đá đang đầu độc giới trẻ kinh khủng”.
Gây nguy hiểm cho người xung quanh
Bác sĩ CK II về tâm thần Trần Minh Khuyên cho biết, ma túy đá còn gọi là hàng đá là tên gọi chỉ chung cho các loại ma túy tổng hợp có chứa chất methamphetamine và amphethamine. Gọi là ma túy đá vì hình dạng bên ngoài trông giống đá, là tinh thể kết tinh thành những mảnh vụn li ti, gần giống với hạt mì chính hoặc hạt muối óng ánh. Trên thị trường còn có dạng cục, bột, viên nén.
Theo bác sĩ Khuyên, khi mới sử dụng ma túy đá, người chơi cảm thấy khỏe khoắn, hưng phấn, tăng khả năng giao tiếp... Tuy nhiên, khi sử dụng lâu dài thì sẽ dẫn đến rất nhiều tác hại. Thứ nhất là mất ngủ, kéo dài hết đêm này sang đêm khác, kéo theo suy nhược thần kinh ở mức độ nặng, mặt bơ phờ, ngơ ngáo, mất tập trung, nên người ta hay gọi là ngáo đá. Thứ hai là sau khi chơi ma túy đá, dân chơi thường bị cuốn vào việc gì đó như game, nghe nhạc hoặc thác loạn trong những cơn cuồng dục.
Thứ ba là bị rối loạn cảm xúc, hay cáu gắt, dễ nổi nóng kể cả ngay với những cơn kích thích rất nhỏ, có thể kích động đập phá... Thứ tư là bị ảo giác, họ nghe có tiếng nói trong đầu với nội dung xui khiến, ra lệnh, trò chuyện... có thể gây nguy hiểm cho người xung quanh hoặc tự hủy hoại bản thân mình. Thứ năm, sau một thời gian hưng phấn tột độ do ma túy đá mang lại, người sử dụng thường rơi vào trạng thái trầm cảm, biểu hiện là mệt mỏi, không buồn giao tiếp... nhưng nếu sử dụng lại thì hưng phấn lên và tràn đầy sinh lực. Đây là nguyên nhân khiến dân chơi không thể từ bỏ nó...
Còn theo giảng viên chuyên khoa tâm thần, thạc sĩ - bác sĩ Huỳnh Tấn Sơn, để điều trị người nghiện, đầu tiên là điều trị nhận thức, hành vi và động lực thúc đẩy. Điều trị nghiện không thể đơn thuần bằng thuốc mà phải là quy trình điều trị nâng cấp bằng nhiều mô hình trị liệu.
Vào Bệnh viện tâm thần
Theo thạc sĩ Nguyễn Phan Minh, Phó giám đốc Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa (TP.HCM), nhiều người lầm tưởng “ngáo đá” là khi người ta sử dụng ma túy đá (đập đá) thì lên cơn nhưng thực chất không phải vậy. “Ngáo đá” là do người sử dụng hàng đá nhiều, thường xuyên, và đến một giai đoạn nhất định, bộ não bị tổn thương, gây ảo giác, hoang tưởng khiến cơ thể mất kiểm soát có thể gây nguy hiểm đến bản thân và những người xung quanh; thậm chí vào thời điểm người bị "ngáo đá" không sử dụng ma túy.
Người sử dụng ma túy đá để tạo kích thích, gây hưng phấn trong các cuộc vui, nhảy nhót... Tuy nhiên, ma túy đá sẽ làm tổn thương não, gây ra những tổn thương tâm thần, thường có ham muốn quan hệ tình dục, dẫn đến việc quan hệ tình dục tập thể, không an toàn, dễ lây nhiễm HIV. Đặc biệt, nguy hiểm nhất là nhiều tội phạm lạm dụng ma túy đá để gây án. “Bởi khi bình thường tội phạm muốn phạm tội nhưng không đủ can đảm thì tìm đến ma túy đá như một loại thuốc kích thích để gây ra tội ác”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Nguyễn Phan Minh, ma túy tổng hợp dạng kích thích hay còn gọi là ma túy đá đang được nhiều người sử dụng và là vấn nạn của thế giới chứ không riêng gì VN. Vào những năm 1990, ở Thái Lan có 80 - 90% học viên ở các trung tâm cai nghiện sử dụng heroin, nhưng chỉ 5 - 7 năm sau, có tới 80 - 90% học viên sử dụng hàng đá.
Còn ở VN, năm 2005 có 80 - 90% học viên ở các trung tâm cai nghiện sử dụng heroin và năm đó Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa tiếp nhận học viên đầu tiên sử dụng hàng đá. Sau đó, tệ nạn này chuyển biến rất nhanh. Đến năm 2015 - 2016, một số trung tâm cai nghiện ở VN có đến 80 - 90% học viên sử dụng hàng đá, còn ở Trung tâm Thanh Đa thì có từ 60 - 80% học viên sử dụng hàng đá; trong đó có 1/3 học viên phải đưa sang bệnh viện tâm thần điều trị do tổn thương não nặng.
Ông Minh cho biết thêm, hiện nay trên thế giới chưa có bất kỳ thuốc hỗ trợ hoặc giải pháp nào đặc trị dành cho người nghiện ma túy tổng hợp. Phương pháp điều trị người nghiện ma túy hiện tại chỉ là làm giảm tác hại. Nghĩa là giảm liều sử dụng, giảm tần suất sử dụng, tiến tới không sử dụng, cùng với việc áp dụng giáo dục điều chỉnh nhận thức hành vi nhân cách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.