Trái đất đang chuẩn bị mất đi 'mặt trăng thứ hai', vĩnh viễn

30/01/2021 19:32 GMT+7

Mặt trăng thứ hai, mà Trái đất tình cờ sở hữu một cách bất đắc dĩ, sẽ gửi lời chào vĩnh biệt địa cầu vào tuần sau trước khi bị cuốn vào không gian xa xăm và không bao giờ quay lại.

Nhiều người sẽ thốt ra ngay câu hỏi: “Ở đâu ra mặt trăng thứ hai?”.
Về mặt chuyên môn, các nhà thiên văn học gọi nó là 2020 SO, một vật thể “hữu duyên” vào tháng 9.2020 đã bị cuốn vào quỹ đạo của Trái đất ở khoảng cách phân nửa so với Trái đất – mặt trăng.
Những vệ tinh tạm thời kiểu này được gọi chung là các tiểu mặt trăng, nhưng các chuyên gia đôi khi vẫn gọi nó là “mặt trăng”.
Đến tháng 12.2020, các nhà nghiên cứu của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) mới biết được 2020 SO không phải là một thiên thể, mà trên thực tế chỉ là phần trên cùng của tên lửa đẩy Centaur thuộc về sứ mệnh Surveyor 2 được người Mỹ triển khai vào năm 1966.
Mục tiêu chính của sứ mệnh năm đó là đưa tàu vũ trụ Mỹ hạ cánh lên bề mặt chị Hằng. Tuy nhiên, động cơ đẩy gặp trục trặc, khiến tàu vũ trụ mất kiểm soát và đâm xuống mặt trăng.
Phần còn lại của tên lửa đẩy vẫn “sống sót” và biến mất khỏi tầm mắt của nhân loại, cho đến nay.
2020 SO đã đến gần Trái đất nhất vào ngày 1.12 năm ngoái, một ngày trước khi NASA phát hiện danh tính thực sự của nó, theo trang EarthSky.org hôm 29.1.
Vào ngày 2.2., “mặt trăng thứ hai” của Trái đất dự kiến sẽ cách địa cầu khoảng 220.000 km, hay 58% khoảng cách Trái đất – chị Hằng, trước khi rời đi vĩnh viễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.